Trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Ngô Thị Lý

Monday, December 28, 2015

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng



Ngày 1/8, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho bà Ngô Thị Lý - thân sinh liệt sĩ Tô Chấn và liệt sĩ Tô Hiệu. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh thành trên cả nước cùng tới dự.


Phát sóng ngày 1 tháng 8 năm 2015

Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng các cán bộ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang thành kính thắp hương tưởng nhớ cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của mẹ Ngô Thị Lý - thân sinh liệt sĩ Tô Chấn và liệt sĩ Tô Hiệu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng căn dặn cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền truyền thống anh hùng, vẻ vang của quê hương Hưng Yên văn hiến trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Mẹ Ngô Thị Lý sinh năm 1877 tại quê hương thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Sau khi chồng mất năm 1915, Mẹ một mình nuôi 5 người con là Tô Tu, Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc nên người. Suốt những năm tháng 2 con trai Tô Chấn và Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và giam giữ, Mẹ cùng con gái đi từ nhà tù này đến nhà tù khác để thăm nuôi.
Năm 1934 sau khi đồng chí Tô Hiệu mãn hạn tù ở Côn Đảo và bị quản thúc tại làng, nhà Mẹ Lý vẫn là nơi nuôi giấu , đi lại của các vị cách mạng tiền bối như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Trần Huy Liệu... Trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù tuổi cao sức yếu, Mẹ Nguyễn Thị Lý vẫn dứt khoát rời khỏi vùng Tề để đi kháng chiến lên Việt Bắc. Cách mạng tháng Tám thành công cũng là lúc Mẹ biết hai con trai của Mẹ là Tô Chấn và Tô Hiệu đã hy sinh. Thương con, Mẹ khóc lòa đôi mắt và mất ngày 8/8/1952. Với những cống hiến cao cả mà Mẹ Ngô Thị Lý đã dành cho cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng danh hiệu cấp Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho Mẹ như một sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ.

Theo Hà Thu - Mỹ Linh - Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại Hưng Yên - 02/08/2015, TRANG TIN ĐIỆN TỬ KÊNH TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI - ĐÀI TNVN.



 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀



Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý, sinh năm 1877 mất ngày 8/8/1952, tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân phụ của mẹ là cụ Tán Bắc Ngô Quang Huy, người đã cùng tướng quân Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh chống Pháp cuối thế kỷ 19. Tướng quân Ngô Quang Huy là bạn thân thiết kết giao với cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cụ đã gả con gái duy nhất là Ngô Thị Lý kết duyên cùng với cháu nội Tô Y của cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu. Do vậy dân làng thường gọi cụ theo tên chồng là cụ Cả Y.

Sau khi chồng mất năm 1915, Mẹ một mình nuôi 5 người con là Tô Tu, Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc nên người. Trong đó 2 anh em Tô Hiệu và Tô Chấn đã tham gia các phong trào yêu nước từ rất sớm, trở thành những người Cộng sản kiên trung đầu tiên của Đảng, những nhà cách mạng nổi tiếng và đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đồng chí Tô Chấn là một trong những lãnh tụ hàng đầu của Việt Nam Quốc dân Đảng bị đế quốc Pháp bắt kết án tù khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Với tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng Cộng sản nên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Với quyết tâm vượt ngục về đất liền xây dựng phong trào cách mạng, đồng chí Tô Chấn cùng nhà cách mạng Ngô Gia Tự và các đồng chí khác vượt biển khỏi nhà tù Côn Đảo, nhưng chuyến vượt biển không thành. Đồng chí Tô Chấn hy sinh vào năm 1936.

Đồng chí Tô Hiệu thuộc thế hệ cách mạng tiền bối của Đảng. Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng đồng chí có những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho cách mạng. Đồng chí đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm tư tình cảm của đồng chí, đồng bào tại các địa phương mà đồng chí đã hoạt động như: Nhà tù Côn Đảo, Đề Lao (Hải Phòng), Hỏa Lò (Hà Nội), đặc biệt mặc dù bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La và bị bệnh phổi nặng nhưng đồng chí vẫn viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Liệt sỹ Tô Hiệu hy sinh năm 1944 tại Nhà tù Sơn La.

Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà mẹ Lý là nơi nuôi giấu các nhà hoạt động cách mạng tiền bối như: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Tử Bình, Nguyễn Bình… Mẹ chăm sóc các ông như con đẻ của mình nên các ông rất thương mẹ và nhận là mẹ nuôi. Suốt những năm tháng 2 con trai Tô Chấn và Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và giam giữ, Mẹ cùng con gái đi từ nhà tù này đến nhà tù khác để thăm nuôi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mẹ Lý mới biết 2 người con là Tô Chấn và Tô Hiệu đã hy sinh. Thương con, mẹ khóc nhiều nên 2 mắt gần như bị lòa. Năm 1946, mẹ được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội thăm hỏi và tặng quà. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng mẹ dứt khoát không chịu ở lại vùng Tề, một mực theo các con cháu lên Việt Bắc kháng chiến.

Mẹ mất ngày 8/8/1952 (tức ngày 18 tháng 6 năm Nhâm Thìn). Sau năm 1954, hài cốt của Mẹ được chuyển về khu mộ gia đình tại nghĩa trang Tam Kỳ, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên.

Với những cống hiến cao cả của Mẹ Ngô Thị Lý cho cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, năm 2015, Chủ tịch Nước đã quyết định truy tặng danh "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho Mẹ như một sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ.


Minh Nguyệt


 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀





Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng


NDĐT -
Ngày 1-8, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự lễ truy tặng và trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà Ngô Thị Lý, thân mẫu của liệt sĩ Tô Chấn và liệt sĩ Tô Hiệu, ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Cùng dự, có đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La, thành phố Hải Phòng; lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang, xã Nghĩa Trụ và đại diện gia đình, dòng họ, nhân dân thôn Xuân Cầu.

Bà Ngô Thị Lý, sinh năm 1877, tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình có truyền thống yêu nước; là thân mẫu của liệt sĩ Tô Trấn và Tô Hiệu là những người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, đã sớm tham gia các phong trào yêu nước, sau đó giác ngộ trở thành người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.


Nhà bà Ngô Thị Lý đã từng là nơi nuôi, giấu, đi lại của nhiều cán bộ cách mạng tiền bối như các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Trần Huy Liệu... Sự đóng góp to lớn của bà Ngô Thị Lý đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tại buổi lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tỏ lòng thành kính biết ơn sâu sắc bà Ngô Thị Lý đã sinh thành, nuôi dưỡng, hiến dâng những người con ưu tú cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; đóng góp công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; là người phụ nữ tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam.

Phát huy truyền thống cách mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn tỉnh Hưng Yên tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng, chính quyền và nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thành công đại hội Đảng bộ tỉnh; đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa đối với những gia đình chính sách, gia đình có công với nước....

PHẠM HÀ


 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀


--------------
Nguồn: Báo Nhân Dân - 01/08/2015



Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dự Lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thân mẫu Liệt sĩ Tô Hiệu

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dâng hương tưởng niệm Mẹ Ngô Thị Lý - thân mẫu của Liệt sĩ Tô Hiệu
Sáng 1.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã dự Lễ đón nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch Nước truy tặng Mẹ Ngô Thị Lý - thân mẫu của liệt sĩ Tô Hiệu và Tô Chấn tại Nhà thờ họ Tô, thôn Tam Kỳ, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lý và quê hương Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên đã sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều bậc hiền tài có công đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Các thế hệ sau này mãi mãi nhớ ghi và tiếp nối truyền thống cha ông để lại, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lý sinh năm 1877 tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên. Thân phụ của Mẹ là Tướng quân Ngô Quang Huy (1835 - 1889), người được coi là thủ lĩnh số 2 của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Thời kỳ 1934 - 1945, không sợ sự bao vây theo dõi của mật thám và tay sai, nhà của Mẹ Ngô Thị Lý là cơ sở cách mạng, nơi nuôi giấu các vị cách mạng tiền bối như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Trần Tử Bình... Được sự chăm sóc tận tình của Mẹ, các vị cách mạng tiền bối đã nhận là mẹ nuôi.


Mẹ Ngô Thị Lý sinh được 5 người con là: Tô Tu, Tô Chấn, Tô Thị Phúc, Tô Thị Xuyến và Tô Hiệu. Các con, cháu của Mẹ đều tham gia hoạt động yêu nước sớm, trong đó liệt sĩ Tô Hiệu là một trong những nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, xuất sắc của Đảng. Cách mạng tháng Tám thành công, Mẹ Ngô Thị Lý mới biết 2 con trai mình đã hy sinh: liệt sĩ Tô Chấn hy sinh năm 1936 khi vượt Côn Đảo cùng Ngô Gia Tự và các đồng chí khác; liệt sĩ Tô Hiệu hy sinh năm 1944 tại nhà ngục Sơn La. Thương con, Mẹ khóc nhiều nên hai mắt gần như bị lòa. Năm 1946, mẹ được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội thăm hỏi và tặng quà. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Mẹ dứt khoát không chịu ở lại vùng Tề, một mực đòi theo các con cháu đi kháng chiến lên Việt Bắc tản cư.

Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh nêu rõ, việc truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Ngô Thị Lý là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ. Mẹ là biểu tượng đẹp của người phụ nữ đảm đang, tảo tần, là tấm gương cao đẹp, trong sáng, tiêu biểu của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng - những người có công sinh thành, nuôi dạy và hiến dâng cho dân tộc lớp lớp các thế hệ anh hùng. Sự hy sinh thầm lặng, vĩ đại của Mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta. Cuộc đời và sự cống hiến to lớn của Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

+ Được biết, ngày 10.4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Hưng Yên đã trang trọng tổ chức Lễ trao tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 197 Mẹ, trong đó có Mẹ Ngô Thị Lý.

Tin và ảnh: Quang Khánh


 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀


--------------
Nguồn: Đại biểu Nhân Dân - 01/08/2015



Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thân mẫu liệt sĩ Tô Hiệu

Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thân mẫu liệt sĩ Tô Hiệu
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch Nước truy tặng cho mẹ Ngô Thị Lý, là thân mẫu của 2 liệt sĩ Tô Hiệu và Tô Chấn, tại quê nhà thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tòng Thị Phóng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý và quê hương Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên đã sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều bậc hiền tài có công đóng góp lớn cho đất nước.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lý, sinh năm 1877 tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân phụ của mẹ là cụ Tán Bắc Ngô Quang Huy, người đã cùng Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh chống Pháp cuối thế kỷ 19. Chồng mất khi còn trẻ, một mình mẹ Ngô Thị Lý tần tảo nuôi 5 người con trưởng thành, trong đó có 2 anh em Tô Hiệu và Tô Chấn đã tham gia các phong trào yêu nước từ rất sớm, trở thành những người cộng sản kiên trung đầu tiên của Đảng, những nhà cách mạng nổi tiếng và đều hy sinh khi tuổi còn rất trẻ. Trước cách mạng năm 1945, nhà mẹ Lý còn là nơi nuôi giấu các nhà hoạt động cách mạng tiền bối như: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt , Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Tử Bình, Nguyễn Bình…Sự cống hiến to lớn của mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.




 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀




Trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trao danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho thân nhân mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý
Ngày 1.8, tại Khuôn viên Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), dòng họ Tô đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Chủ tịch Nước truy tặng mẹ Ngô Thị Lý. Dự buổi lễ có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; các ông: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Thông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các tỉnh Sơn La và thành phố Hải Phòng; huyện Văn Giang và con em họ Tô, nhân dân xã Nghĩa Trụ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý sinh năm 1877, tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc (Văn Lâm), mất năm 1952. Là con gái của Tướng quân Ngô Quang Huy, là một trong những thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp cuối thế kỷ 19. Tướng quân Ngô Quang Huy là bạn thân thiết kết giao với cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, cụ đã gả con gái duy nhất là Ngô Thị Lý kết duyên cùng với cháu nội Tô Y của cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu. Do vậy dân làng thường gọi cụ theo tên chồng là cụ Cả Y. Hai cụ sinh được 5 người con gồm: Tô Tu, Tô Chấn, Tô Thị Phúc, Tô Thị Xuyến, Tô Hiệu. Năm 1915 cụ Tô Y mất, khi đó cụ Ngô Thị Lý mới 38 tuổi, cụ nuôi dạy các con, hướng các con noi theo tấm gương yêu nước của ông ngoại Ngô Quang Huy. Do đó, các con, cháu của cụ đều tham gia hoạt động yêu nước, trong đó 2 liệt sỹ là Tô Chấn và Tô Hiệu là những nhà cách mạng tiền bối, các cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng.

Đồng chí Tô Chấn là một lãnh tụ hàng đầu của Việt Nam quốc dân Đảng bị đế quốc Pháp bắt kết án tù khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Với tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản nên được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Với quyết tâm vượt ngục về đất liền xây dựng phong trào cách mạng, đồng chí Tô Chấn cùng nhà cách mạng Ngô Gia Tự và các đồng chí khác vượt biển khỏi nhà tù Côn Đảo, nhưng chuyến vượt biển không thành. Đồng chí Tô Chấn hy sinh vào năm 1936.


Đồng chí Tô Hiệu thuộc thế hệ cách mạng tiền bối của Đảng. Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng đồng chí có những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho cách mạng. Đồng chí đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm tư tình cảm của đồng chí, đồng bào tại các địa phương mà đồng chí đã hoạt động như: Nhà tù Côn Đảo, Đề Lao (Hải Phòng), Hỏa Lò (Hà Nội), Nhà tù Sơn La. Liệt sỹ Tô Hiệu hy sinh năm 1944 tại Nhà ngục Sơn La.
Thời kỳ 1935 - 1945, nhà cụ Ngô Thị Lý là cơ sở cách mạng, nơi nuôi giấu các nhà cách mạng tiền bối như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Trần Tử Bình… Với những đóng góp của mẹ Ngô Thị Lý, Chủ tịch Nước đã quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Diễn văn ôn lại những đóng góp của Mẹ Ngô Thị Lý với cách mạng, quê hương và dòng họ Tô do đồng chí Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tại buổi lễ, đã nhấn mạnh việc truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Ngô Thị Lý là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ. Cuộc đời và sự cống hiến to lớn của mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Mẹ là biểu tượng đẹp của người phụ nữ đảm đang, tảo tần, là tấm gương cao đẹp, trong sáng, tiêu biểu của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công sinh thành, nuôi dạy và hiến dâng cho dân tộc lớp lớp các thế hệ anh hùng.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho thân nhân mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý và quê hương Nghĩa Trụ đã sinh ra nhiều chiến sỹ cách mạng, nhiều bậc hiền tài có đóng góp to lớn cho đất nước. Các thế hệ sau này mãi nhớ ghi và tiếp nối truyền thống cha ông để lại xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng.



Phạm Đăng


 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀


--------------
Nguồn: baohungyen.vn, tuyengiaohungyen.vn - 02/08/2015



CỤ NỘI TÔI - BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGÔ THỊ LÝ.



Ngày 1\8\2015 hôm qua là ngày giỗ cụ nội tôi. Như ngày này hàng năm tôi về thắp hương giỗ cụ. Điều lạ trên đường về làng thấy xe công an đỗ dày đặc, đường xá quang quẻ hơn ngày thường. Đi gần đến nhà, một chú công an chặn xe lại, nói một cách lịch sự: Bác ơi, hôm nay có tổ chức sự kiện: Truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt nam anh hùng cho cụ Ngô thị Lý. Để cháu hướng dẫn bác đi lối khác.
Mình hơi luống cuống: Tôi, tôi về thắp hương giỗ cụ tôi mà.
Cậu công an hơi ngượng: Dạ, vâng, bác đi ạ...

Cụ Ngô thị Lý là con gái độc nhất của danh tướng Cần vương chống Pháp Ngô quang Huy. Các cụ già trong làng uyên bác Nho học nói với tôi: Đất Xuân Cầu trong vòng trên dưới 100 năm đã hai lần được triều đình phong tặng.

Lần đầu cụ Ngô quang Huy, đốc học tỉnh Bắc Ninh (còn gọi là cụ Đốc Bắc) và cụ Tô ngọc Nữu - kị nội tôi - đốc học tỉnh Nam Định (còn gọi là cụ Đốc Nam) hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi phất cờ nghĩa, lĩnh ấn kiếm vua ban, đưa quân nghĩa đánh về Thành Rồng cứu nước. Các cụ lĩnh chức Hồng Lô tự khanh, Tán tương quân vụ, nên thường gọi là cụ Tán Ngô, cụ Tán Lạc, liên quân với cụ Nguyễn thiện Thuật hay còn gọi là cụ Tán Thuật ở Bãi Sậy Hải Dương tạo thế ỷ dốc làm nòng cốt cho phong trào Cần vương của sĩ phu Bắc Hà. Theo thần phả của làng: Hôm nhận chiếu phong của vua Hàm Nghi, mây bay cuồn cuộn, gió gào, sông nổi sóng:
...
Trên cờ nghĩa tung bay rợp trời, hùng khí xung thiên, thân học trò nguyện cùng đồng bào xả thân vì đất Việt.
Dưới giáo gươm trùng điệp lòa đất, uất nghẹn căm căm, vâng mệnh vua, tướng cũng như binh, thề quét sạch bọn Tây dương

...
Vận nước chưa đến, sau 3 năm đánh Pháp, vài hôm trước trận chiến cuối cùng ở Bắc Giang (ngày 1\5\1889 tức 1 tháng 4 năm Kỷ sửu) cụ Ngô quang Huy đã gửi gắm người con gái yêu duy nhất Ngô thị Lý cho cụ Đốc Nam Tô ngọc Nữu quay về Xuân Cầu kết duyên với con trai cụ Nữu là cụ nội tôi cụ Tô Y.

Lần thứ hai là lễ chính phủ (mà các cụ trong làng vẫn gọi là triều đình) phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho cụ bà Ngô thị Lý.
Cụ Ngô thị Lý sinh được 5 người con: cụ Tô Tu (ông nội tôi}, liệt sĩ Tô Chấn, liệt sĩ Tô Hiệu, bà Tô thị Xuyến, bà Tô thị Phúc. Thật bất ngờ đối với tôi khi ban lịch sử tuyên đọc trong thời kỳ kháng Pháp cụ Ngô thị Lý đã nuôi dấu và có các con nuôi là những tiền bối cách mạng nổi tiếng: Trường Chinh, Hà huy Tập, Nguyễn lương Bằng, Hoàng văn Thụ, Nguyễn Bình và Trần tử Bình.
Thật cảm động biết bao khi nghe bà Tòng thị Phóng, ủy viên BCT, phó chủ tịch Quốc hội phát biểu trong buổi lễ này. Chị Tòng thị Phóng nói: Xin đồng bào Xuân Cầu, họ Tô ... hôm nay đừng coi là lễ nghi nhà nước. Tôi có thay mặt đồng bào, chính quyền, đảng bộ các tỉnh Sơn la, Hải Phòng, Hưng Yên... dâng hương cho Mẹ, nhưng trước tiên xin nói bằng lời nói của người con gái Thái Sơn la. Ở quê tôi người dân Sơn la bao giờ cũng thắp hương tỏ lòng thành kính với Tổ tiên, Cha Mẹ, cụ Hồ và con trai Mẹ - Bác Tô Hiệu kính yêu. Ngày hôm nay cô con gái Thái này xin về thắp hương nhận họ với họ Tô, có chút thổ sản quê hương: gạo, rượu, đỗ, rau, măng xin được về góp giỗ...
Cũng một thoáng nhớ lại bồi hồi cách đấy hơn 20 năm. Hồi đó tôi còn là một sĩ quan trẻ măng. Một lần nghỉ phép tháp tùng bố tôi về quê, tình cờ tôi được gặp cụ Trường Chinh, hồi đó là Tổng bí thư và bác Ngô duy Đông bí thư tỉnh ủy Hải Hưng cũng về thăm bà Tô thị Phúc. Bác Trường Chinh nói: Chị Đen à (Tên bà Phúc ở quê là Đen) chị có tuổi rồi. Chị có yêu cầu gì với Đảng, với chính quyền không?
Bà Phúc trả lời: Cảm ơn anh. Tôi vẫn khỏe làm ruộng được. Chỉ xin các anh một điều, Sao bảo là có đề nghị là gia đình có công với nước và phong Mẹ là bà mẹ Việt nam. Lâu quá mấy năm rồi, tôi có làm đơn hỏi xã, huyện là như thế nào? Các anh ấy bảo: còn xét...
Cụ Trường Chinh xa xầm nét mặt, nói: còn xét? còn xét?
Đến ngày hôm nay chắc chắn hương hồn bà tôi, bà Đen đã toại nguyện.
Trên đường về, bà thủ trưởng tôi có nói: Ơ, bác Trần tử Bình là con nuôi cụ. Thế hôm nào phải bảo bác Trần kiến Quốc và Trần hạnh Phúc nhận họ hàng chứ? Tôi bảo: cụ nhận là con nuôi. Thế thì bác Quốc và Phúc là bậc cô, chú. Thủ trưởng nói luôn, dứt khoát: Ơ, thế thì không được.



Tô Thành




 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀


--------------
Nguồn: FB Thành Tô - 02/08/2015

0 nhận xét:

Post a Comment