Làng Khoa Bảng Xuân Cầu

Monday, January 1, 2018


Trích từ "Làng Khoa Bảng Và Danh Nhân Làng Khoa Bảng Việt Nam"


Miếu thờ Thành Hoàng làng Xuân Cầu


ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ NHÃN
Hữu Tính

Sáng chủ nhật ngày 26.11.2017 (tức ngày mùng 9 tháng 10 âm lịch), người dân Xuân Cầu sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng và tôn tạo miếu Thành Hoàng làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang).

Làng Việt cổ Xuân Cầu có lịch sử trên 2000 năm. Thế kỷ thứ VIII đến IX, thời nhà Đường đô hộ nước ta, có nhiều người Hoa định cư tại đây nên gọi là làng Hoa Kiều, sau đổi thành Hoa Cầu, tiếp đến là Huê Cầu, rồi được gọi là Xuân Cầu như ngày nay. Xưa kia, làng có khung cảnh hữu tình, có cây đa, bến nước, sân đình… Riêng hai thôn Tam Kỳ, Phúc Thọ có hai ngôi đình đẹp, có chung một miếu thờ Thành Hoàng.
Theo thần tích, thần sắc còn lưu lại tại thư viện Viện Thông tin KHXH, ngôi miếu cổ có niên đại gần 800 năm thờ Đức Thành Hoàng Hoa Kiều Lang Đại Vương. Ngài có tên hiệu là Hoa Kiều Lang (có nghĩa là: Người đàn ông làng Xuân Cầu), tên húy là Hùng Lang, sinh ngày mùng 10 tháng 10; hóa ngày mùng 9 tháng 4; hiển thánh ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch. Thân phụ của ngài là Lê Thuận, thân mẫu là Tô Thị Huyền, người làng Xuân Cầu. Ngài là nhân thần, có công giúp vua Trần Thái Tông đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông năm 1258, được các vương triều Trần, Lê, Nguyễn ban tặng 24 sắc phong, ban nhiều mỹ tự như đoạn trích sau từ sắc phong của các triều vua:
Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Hoa Kiều Lang Đại Vương là người tư chất mẫn tiệp, đức vốn thông minh, xuất chúng tài giỏi hơn người, biến hóa khôn lường, nhìn không thấy, nghe chẳng hay, cuồn cuộn trên cao, cảm ứng sẽ hanh thông, cầu xin tất ứng nghiệm, vô cùng linh ứng, có thể trừ tai họa, ngừa hoạn nạn, âm phù vững chắc làm quốc gia yên ổn, khiến dân chúng thịnh vượng, công tích với đất nước thật lớn lao.

Trung liệt hùng nghị dũng lược Đại vương, Người là chung đúc chính khí của trời cao, tinh anh của Nhị khí, trở thành Thần thiêng của nước Nam. Sức mạnh của Thần đã nhiều lần hiển hiện linh ứng, phù trì kéo dài vô cùng đến muôn năm, công lao khánh hạ rất nhiều. Thần đã hiển ứng phù hộ Hoàng gia phúc trạch lâu bền, Vương nghiệp nối dài vĩnh viễn, âm phù uy binh, tiễu trừ nghịch đảng, thu phục biên cương, hộ quốc an dân, giữ gìn xã tắc.
Theo tín ngưỡng của người Việt từ ngàn xưa, Thành Hoàng làng là vị phúc thần tối thượng thiêng liêng bảo hộ cho người dân trong làng xã làm ăn sinh sống, mùa màng tươi tốt, “quốc thái dân an”, không phân biệt dòng họ, giàu nghèo, già trẻ, trai gái. Miếu Thành Hoàng diễn Nôm là nhà của ngài, đến ngày lễ hội thì dân làng mới rước ngài ra đình.

Miếu thờ Thành Hoàng làng Xuân Cầu



Do tàn phá của chiến tranh và tác động của thiên nhiên, hơn 60 năm nay ngôi miếu này cùng với đình làng đã bị hủy hoại hoàn toàn. Năm 2017, ông Tô Quyết Tiến và nhiều người con quê hương Xuân Cầu đã phát tâm công đức, bỏ tiền của và công sức xây dựng lại miếu thờ Thành Hoàng trang nghiêm, đẹp đẽ trên khuôn viên đất cũ thiêng liêng của vùng đất địa linh nhân kiệt, bên Bến Ngóng của dòng Nghĩa Giang. Từ nay, người Xuân Cầu lại có ngôi miếu tôn nghiêm hàng ngày hương khói thờ phụng, tưởng nhớ đến Đức Thành Hoàng – Vị Phúc thần của cả làng, đồng thời tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống lịch sử của quê hương, xây dựng quê hương Xuân Cầu ngày nay thêm giàu đẹp, văn minh. Đúng là:

Hiếu trung tiết liệt tồn kim cổ
Miếu vũ lâu đài kỷ hậu lai

Tấm lòng hiếu trung tiết liệt của Ngài sẽ sống mãi với thời gian
Công trình miếu được trao gửi lại cho thế hệ mai sau.

Hữu Tính

(Ông Tô Quyết Tiến biên soạn theo các thần tích, thần sắc lưu tại thư viện Viện KHXH, số 1 Liễu Giai, Hà Nội).

Nguồn: "baohungyen.vn" - 22/11/2017, 19:27 [GMT+7]



Miếu thờ Thành Hoàng làng Xuân Cầu