PHẦN 2 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỜI NHÀ TRẦN

Monday, March 18, 2013

Chương II - LÀNG ĐỒNG TỈNH – LÀNG XUÂN CẦU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ



PHẦN 2 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỜI NHÀ TRẦN



Triều Lý suy vi, tàn lụi, họ Trần hương Tức Mặc lên thay sau cuộc chính biến nổi tiếng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Với ván bài quyền lực triều Lý, Trần Thị Dung đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình với Trần tộc, sau cái chết đầy tức tưởi của Lý Huệ Tông, bà lặng lẽ lui về hậu cung cùng Trần Thủ Độ tìm ra những sách lược mới để củng cố, xây dựng nên một triều đại hùng cường; Triều đại nhà Trần kế tiếp nhà Lý với vị vua trẻ tuổi Trần Cảnh đã được Trần Thủ Độ và thân tộc Trần hương Tức Mặc dàn dựng thu xếp thay quyền cai trị trọn vương triều của vị nữ vương Lý Chiêu Hoàng khi ấy vừa tròn bảy tuổi.
Xã hội thời kỳ đầu triều Trần vẫn hết sức rối ren, hai thế lực Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn liên tục gây ra những trận huyết chiến tranh giành lãnh địa cát cứ.
Ở xứ Đông, dựa vào thế luỹ xã Yên Nhân, Đoàn Thượng lập hệ thống phòng tuyến phòng vệ rất chặt chẽ, khống chế có hiệu quả các cuộc tiến binh của triều đình theo đường bộ, đường thuỷ. Lại thêm phòng tuyến sẵn có tại ngã ba sông Thá (Thía) ngăn chặn thuỷ binh từ kinh sư qua cửa Xuân Quan, Bát Tràng, xuôi dòng sông Nghĩa Trụ, toả xuống vùng Hồng, vùng Khoái. Phòng tuyến tại Cửu Cao, Cửu Liên, và phòng tuyến sông Kinh Thầy, Nam Sách ngăn bước tiến của đạo quân Nguyễn Nộn từ xứ Bắc tràn sang.
Trần Thủ Độ rất nhiều lần tiến binh đi chinh phạt các đạo quân này nhưng đều không có kết quả, một phần vì quân binh trong nội triều còn nhiều phe phái vẫn giữ âm mưu khôi phục triều Lý, vua Trần Cảnh còn nhỏ, chưa thể định liệu được thế cục, Trần Thừa trong vai trò thái thượng hoàng, tuy hay chữ nhưng ít mưu sâu, chỉ ham vui với thú săn bắn tiêu dao, khiến Trần Thủ Độ cũng như Trần Tự Khánh trước đây một tay chèo lái con thuyền chính trị mà không thể rời xa kinh sư chinh chiến lâu dài.
Để tạo ra một thế cờ mới trong ván cờ quân sự, Trần Thủ Độ quyết định đi những nước cờ mạo hiểm, nhưng xét trong thời điểm đó rất hữu ích với triều đình non trẻ nhà Trần. Một mặt tạm thời hoà hoãn, hẹn ước đình chiến với cả hai thế lực Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn bằng miếng mồi nhử phong cho hai vị đầu đảng này tước vương, chấp nhận sự có mặt của họ trong bàn tiệc quyền bính mà nhà Trần vừa chế biến dựa trên nguyên liệu sẵn có của triều đình nhà Lý.
Riêng với Đoàn Thượng, bằng chiêu bài hẹn về triều phong tước vương, mục đích của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung tưởng như đã rõ ràng, lợi dụng quân Nghĩa Trụ làm tay trong, nắm chắc tình hình quân sự bố phòng và những diễn tiến chiến lược trong âm mưu phát triển thế lực đối kháng với triều đình của đạo quân xứ Đông. Nhưng sâu xa hơn nữa trong bước đi của Trần Thủ Độ, một nhân tài quân sự tuy không biết chữ, nhưng lại biết và nắm vững thiên cơ, nhiều mưu mẹo, biết tung thả và chộp bắt các cơ hội rất đúng thời điểm, việc hẹn phong tước cho Đoàn Thượng và nhân danh triều đình cắt đất phong tước Hoài Đạo Vũ Vương cho Nguyễn Nộn. Gây cho hai đạo quân này những hiềm khích, những mối bất hoà đẫn đến tự tiêu diệt lẫn nhau.
Với Nguyễn Nộn, hành động triều đình cùng phong vương cho Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng, là một cái tát ngầm vào mặt vị tân vương Nguyễn Nộn vốn quen chiến trận từ thuở còn hàn vi, theo làm tướng dưới trướng Trần Tự Khánh, xông pha mọi chiến trường chẳng ngại gian nan, rốt cục vẫn là kiếp tôi đòi mạt hạng của nhà Trần, được phong tước vương cũng chẳng danh giá gì, chẳng qua là một thứ tước danh hão huyền, chỉ ở vào thế cùng, chủ mới buộc lòng phải cấp phong cho mà thôi, không thể coi là chính danh để người đời thần phục. Với lòng tự ái của một kẻ vũ dũng, khi bị triều đình coi rẻ, Nguyễn Nộn dù có hận thù với triều đình cũng không dám cất quân tiến đánh kinh sư, bởi đạo quân xứ Đông của Đoàn Thượng đang đêm ngày chờ cơ hội phục đánh đạo quân xứ Bắc khi sơ hở hay tỏ ra yếu thế, và quân triều đình cũng sẵn sàng vượt sông hợp cùng đội quân xứ Đông phản chiến lại, khi ấy đạo quân xứ Bắc hoàn toàn bất lợi sẽ dẫn đến bại vong. Nước đi chắc chắn nhất cho đạo quân xứ Bắc của Nguyễn Nộn, đồng thời cũng là phương sách duy nhất bắt buộc Nguyễn Nộn phải tuân thủ triệt để theo thế cục là chấp thuận hoà hoãn với quân triều đình, tập trung phòng thủ và dồn sức quân tiến đánh bất ngờ đạo quân xứ Đông. Tiêu diệt được đạo quân này cũng là ý muốn từ lâu của Trần Thủ Độ, Nguyễn Nộn biết rõ điều đó qua những tay chân thân tín của mình và một số quan lại thân vương trong triều vẫn hay qua lại cùng đạo quân xứ Bắc, hơn nữa khi trước thuở còn triều Lý, Trần Thị Dung được an toàn cũng có phần nhờ dựa vào uy thế các cánh quân của Trần Tự Khánh và Nguyễn Nộn, giờ tuy đã đóng vai trò quốc mẫu, vẫn có lòng vì nể đạo quân này.
Trần Thủ Độ đã đi trước hai đạo quân xứ Đông và xứ Bắc một nước cờ trọng yếu trong thế cờ đại cục, ông dựa thế chân vạc giữa 3 thế lực quân sự lớn để phát triển, bảo toàn, củng cố tăng cường sức mạnh cho vương triều mới. Vùng đất Nghĩa Trụ được Trần Thủ Độ giữ làm trung tâm cân bằng và dung hoà cho cuộc đối đầu quân sự giữa ba phe cánh. Với tầm nhìn chiến lược, ai có được và giữ được vùng đất này, là sẽ có chiến luỹ khả yếu khống chế được hai đạo quân còn lại.
Đoàn Thượng hơn một lần có cơ hội trong tay, nhưng đã không nhìn nhận ra sức mạnh chiến lược và tầm quan trọng của nó, vội kéo quân về xây thành đắp luỹ ở Yên Nhân, bỏ qua khu vực đầm lầy lau sậy, cái đầu của con mãnh xà với lợi thế ba mặt sông nước tự nhiên, bao bọc thành hào luỹ kiên cố.
Nguyễn Nộn tuy đã có một thời dưới trướng của Tự Khánh, nhưng vốn chỉ quen thế công thủ với địa hình đồi núi, cũng vô tình bỏ qua khu vực Nghĩa Trụ, chỉ thấy cái lợi của việc lợi dụng đường luỹ từ Chợ Cái đến Vạn Xuân của triều Lý trước làm đồn luỹ phòng thủ, phòng vệ mà không nhìn thấy tiềm năng lâu dài của dải đất đối diện bên sông.
Trần Thủ Độ, tuy bị công việc triều chính và những sách lược đối nội, đối ngoại của một vương triều mới thu hút khá nhiều thời gian và sức lực, nhưng trong con mắt của nhà chính trị đại tài đã sớm nhận ra sức mạnh vô biên của vùng đất bãi bồi cách không xa kinh thành là bao, trong toàn thế cục phát triển và chấn hưng xã hội triều Trần. Tiếp nối bước chân người anh họ Trần Tự Khánh, ông tiếp tục cho những người trong thân tộc và các gia binh của mình đến khai khẩn và chấn hưng lại vùng đất tưởng như đã bị lịch sử bỏ quên sau cái chết của Lại Linh và sự chấm dứt vương triều Lý.
Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung thay mặt vua cho một số con em thân tộc và những thủ hạ thân tín về tiếp tục công cuộc kiến thiết xứ đầm lầy Nghĩa Trụ, mở rộng khai phá những dải đất hoang, những đầm lầy lau sậy dần mất đi, thay thế vào đó là những cánh đồng lúa một vụ cày cấy. Dân cư thiên di theo dòng sông Nghĩa Trụ đổ về quần tụ định cư với nhiều phong tục, tập quán khác nhau, quan hệ trong ấp và giữa các ấp với nhau phần nhiều đều có những quy định riêng, thiết chế riêng rẽ là nền tảng bảo đảm cho các cá nhân trong mỗi tộc họ.
Nghĩa Trụ sau một thời gian dài nằm ngủ yên tĩnh mọi biến động xã hội thời đầu Trần, nay lại rộn rịp những toán quân dân binh, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của triều đình, các doanh trại khi xưa được tiến hành tôn nền dựng xây lại thành những thái ấp, điền trang của thân tộc Trần, bên cạnh đó, mỗi dòng họ ở đây cũng tự khai phá những khoảnh đất bãi riêng của mình để lập nên những xã giáp với tổ chức ban đầu là các xã quan, hương trưởng, giáp trưởng chịu trách nhiệm giao dịch thuế khoá và an ninh với triều đình, những đội giáp binh, hương binh cũng đồng thời thành lập, được huấn luyện võ nghệ, tăng khả năng tự bảo vệ vùng đất của mình trước nguy cơ lăm le nhòm ngó của các đạo quân xứ Bắc và xứ Đông. Nghĩa Trụ thực sự trở thành mối đe doạ sát sườn đêm ngày lơ lửng mối lo của đạo quân xứ Đông.
Ở vùng Yên Nhân, Đoàn Thượng ra sức củng cố thành luỹ lấy ngã ba sông Thá (Thía) lập thành luỹ chính phòng vệ và chống chọi lại mọi sự quấy rối của các cánh quân Nghĩa Trụ. Từ khi được triều đình hứa phong tước vương, lại biết rõ âm mưu của Thủ Độ và Trần Thị Dung, muốn dùng cánh quân Nghĩa Trụ cho việc do thám tình hình quân cơ, Đoàn Thượng đã hết lòng cảnh giác, cho xây dựng một cung thất riêng ở vùng đất giáp gianh giữa Nghĩa Trụ và Yên Nhân với mục đích răn đe triều đình. Đoàn Thượng vốn là một đầu lĩnh xuất thân từ vùng Nam Sách Chí Linh, tuy có tài và khả năng tổ chức quân sự nhưng trong ván cờ chính trị đấu trí với hai thế lực chính là Trần Thủ Độ, bộ óc của triều đình nhà Trần và Nguyễn Nộn, thủ lĩnh đạo quân xứ Bắc, Đoàn Thượng đã lộ rõ những sở đoản của mình, qua việc dồn phần lớn quân số về giữ luỹ Yên Nhân lo phòng vệ với quân triều đình và quân Nghĩa Trụ, không lo đề phòng đạo quân xứ Bắc, đến nỗi bị cánh quân của Nguyễn Nộn chỉ bằng một trận đánh quy mô vừa, nhưng đầy bất ngờ đã dẹp tan đạo quân xứ Đông, xoá sổ toàn bộ công nghiệp của Đoàn Thượng dày công xây dựng gần trọn cuộc đời.
Cánh quân đóng tại Nghĩa Trụ của triều đình không hề có một phản ứng cụ thể nào trước sự kiện này, các trận đánh diễn ra ngay trước mặt đám hương binh Nghĩa Trụ với đầy đủ sự tàn khốc của một cuộc chiến sống còn đúng nghĩa, các toán quân xứ Bắc như bầy hổ đói sổng chuồng, từ các phía Cửu Liên, Cửu Cao, Chợ Cái, tả ngạn sông Nghĩa Trụ điên cuồng lao về hướng thành luỹ Yên Nhân với quyết tâm giành cho được dù là chút ít miếng mồi từ xác kẻ thù, những người lính xứ Bắc trong trận ấy, vào cuộc hỗn chiến bằng tất cả nỗi niềm khao khát lập công, tận diệt mối hoạ đang ngày đêm đe doạ đến cuộc sống gia đình, vợ con hương ấp của họ, bên hông lẵng nhẵng xâu tai cắt vội từ xác chết của kẻ thù còn ròng ròng máu chảy, họ tả xung hữu đột, dũng mãnh băng qua đồn luỹ còn nghi ngút khói, đôi chân của họ đạp lên biết bao nhiêu xác chết của kẻ thù, của đồng đội cùng chiến tuyến? Họ không hề ý thức được nữa, mối quan tâm trong trận đánh này của họ là vung cao mã tấu chém và chém và cắt thật nhiều những vành tai của phía bên kia cho đã cơn khát lập công man dã.
Từ kinh sư, Trần Thủ Độ và bà Hoàng Hậu của triều Lý - Trần Thị Dung lặng lẽ bên nhau chờ đợi những tin tức quân sự từ các trận đánh giữa toán quân xứ Đông và toán quân xứ Bắc, trận đánh mà Trần Thủ Độ và Trần Thị dung có công châm ngòi đốt lửa, đám quân do thám tới tấp mang tin chiến sự từ đài quan sát bên sông Nghĩa Trụ về triều đình hết sức khẩn thiết. Cuộc động binh này của Nguyễn Nộn xảy ra sớm hơn cả định liệu của Trần Thủ Độ, không phải trong thâm tâm Trần Thủ Độ không muốn nó xảy ra, mà trái lại ông muốn trận đánh này phải tàn khốc hơn nữa, vì theo thời gian, phía quân Nguyễn Nộn đã hội đủ sức mạnh của đoàn quân tinh nhuệ, phía Đoàn Thượng cũng vậy, lại thêm hào luỹ tre dày đặc làm bức thành thiên nhiên phòng thủ quanh dải đất Yên Nhân, khi hai bên sáp chiến, trận đánh càng kéo dài, càng gây nên nhiều tổn thất cho cả hai phe. Khi ấy ông chỉ cần một cánh quân đủ mạnh ở Nghĩa Trụ bất ngờ tiến đánh Yên Nhân, kết hợp cùng quân triều đình tung ra đánh vào sào huyệt Bắc Giang thì cánh quân xứ Bắc và xứ Đông sẽ được bình định yên ổn. Nhưng trận đánh của cánh quân xứ Bắc lại xảy ra quá bất ngờ và quá sớm, tin xảy ra trận đánh bay về triều đình khi các thành luỹ Yên Nhân đã bốc cháy, khói lửa rợp trời, bụi than mù mịt khiến Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung lập tức phải triển khai ngay phương án phòng thủ cho xứ Nghĩa Trụ đề phòng cánh quân xứ Bắc, hoặc xứ Đông thừa thắng ruổi binh sang cướp đất. Trần Thị Dung muốn Trần Thủ Độ nhân cơ hội điều binh đi bảo vệ Nghĩa Trụ, mượn cớ mà tiến đánh úp quân Nguyễn Nộn, trừ được Nguyễn Nộn sau đó sẽ ra tay thanh toán thế lực Đoàn Thượng dẹp yên xứ Đông. Trần Thủ Độ xét thấy cơ hội chưa chín muồi, bởi triều đình nhà Trần vừa thành lập, vua còn nhỏ dại, nếu động binh lúc này, quân cơ chưa thống nhất, chưa hết lòng tận trung với triều đình mới, tư tưởng các tướng suý còn dao động sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cơ đồ chấn hưng của vương triều Trần. Ông đành phải đi một nước cờ mới, một mặt cho viên tướng tâm phúc dẫn đầu một toán quân nhỏ, gấp rút tiến về thái ấp Cửu Tỉnh theo đường thuỷ, kết hợp cùng hương binh trong các trại Cửu Tỉnh, Hoa Cầu tổ chức phòng bị dọc tuyến sông, sẵn sàng đánh trả các toán quân lạ vượt sông Nghĩa Trụ. Nhiệm vụ của viên gia tướng này ra trận nhưng không được tự ý điều binh tham dự vào trận đánh cùng các đạo quân kia, chỉ ra sức tổ chức phòng vệ và nắm tin tức, diễn tiến trận đánh kíp báo về cung riêng cho Thủ Độ để ông kịp thời có các sách lược ứng phó.
Trong giai đoạn này, đất Nghĩa Trụ và đặc biệt là ấp Cửu Tỉnh, Hoa Cầu dưới sự khai phá mở mang điền trang của một số thân tộc Trần cùng đám gia nhân, biến nơi đây thành một trung tâm phát triển công thương sầm uất, thương thuyền các địa phương trong nước tự do lưu thông buôn bán nhộn nhịp ngày đêm, các mặt hàng nông thổ sản từ các nơi đưa về nườm nượp, biến vùng đất này thành đầu mối giao thương quan trọng với xứ Đông, xứ Bắc, các nghề mới cũng được dịp du nhập vào đây như nghề đan lưới, đan rọ phục vụ công việc đánh bắt thuỷ hải sản, nghề trồng dâu ươm tơ, dệt vải và nhuộm màu cũng phát triển, đặc biệt là mặt hàng vải đũi nhuộm màu thâm đất, được làm ra từ sợi tơ tằm của người dân ấp Hoa Cầu được cánh lái buôn các trấn đổ về tìm mua và đem đi giao bán khắp trong nước rất được dân gian thời ấy ưa chuộng.
Cửu Tỉnh và Hoa Cầu khi ấy gồm nhiều trang ấp nhỏ của các thân vương Trần tộc với hệ thống đầm phá và mạng lưới ngòi lạch nước tự nhiên lưu thông cùng dòng chảy chính, dưới sự bảo hộ của triều đình vẫn tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình, đóng vai trò phên dậu bảo vệ vùng đất Tế Giang trước sự nhòm ngó thôn tính từ đạo quân xứ Bắc và xứ Đông. Trận đánh giữa các đạo quân xứ Bắc và xứ Đông đầy bất ngờ và tàn khốc diễn ra ngay trước mắt các thân vương khiến cho họ không khỏi rúng động sợ hãi, vội vã cho các hương binh được lệnh, tập trung toàn bộ lực lượng kết hợp cùng toán quân của triều đình dàn thế trận phòng ngự bên sông, còn tất cả mọi công việc đang làm dở dang trong ấp được đình lại ngay lập tức, nhà nhà lên kế hoạch chuẩn bị mọi thứ gấp rút di dời về kinh sư nếu xảy ra chiến sự.
Dân trong ấp nhốn nháo đổ dồn về phía hữu ngạn dòng Nghĩa Trụ nơi từng tốp quân triều đình cùng hương binh các xã, các hương ấp đang căng mắt dõi theo mỗi hành động tiến lui của đạo quân xứ Bắc đằng đằng sát khí, nối đuôi nhau ào về bình định xứ Đông.
Nước cờ thế cục đầu tiên của ba thế lực lớn khi ấy đã khởi động và đi đến hồi kết thúc chóng vánh, toàn bộ xứ Đông đã được Nguyễn Nộn bình định xong xuôi trong vòng nửa tháng cất binh, toàn bộ số quân của Đoàn Thượng bị xoá sổ, hoặc bị giết, hoặc bị bắt làm tù binh của quân xứ Bắc.
Thế cục chính trị trong nước chuyển sang một diện mạo mới, kẻ không thể đội trời chung với Trần Thủ Độ là Nguyễn Nộn giờ đây đã thanh toán xong đạo quân xứ Đông của Đoàn Thượng, như hùm thêm cánh, tự phong cho mình ngôi vị Đại Thắng Vương, nhiều lần tung quân do thám dải đất Nghĩa Trụ, ra mặt thách thức với quan quân triều đình. Tin tức từ các thân vương liên tục chuyển về kinh sư với mục đích kêu gọi sự hỗ trợ từ triều đình về mọi mặt kể cả tài vật lẫn nhân lực để tăng cường sức chống đỡ cho vùng đất phên dậu đang mỗi ngày chịu thêm nhiều sức ép quân sự từ cánh quân Nguyễn Nộn, khiến Trần Thủ Độ càng thêm lo lắng, thế cờ khi trước ông bày ra không ngờ Nguyễn Nộn lại thực thi triệt để và nhanh chóng đến như vậy, tăng cường khả năng phòng vệ cho Nghiã Trụ là chuyện nhỏ trong một chuỗi vấn đề phức tạp kéo theo sau nó, chấp nhận mọi yêu sách của Nguyễn Nộn đưa ra đòi hỏi triều đình đáp ứng là chuỵên lớn của quốc gia, chấp nhận sắc phong cho Nguyễn Nộn tước Đại Thắng Vương theo đúng lời biểu tấu của hai xứ Đông và Bắc sẽ gặp không ít sự phản kháng của nội tộc Trần đương triều, sự manh động trong quân lúc này là mối đe doạ lớn nhất có liên quan trực tiếp tới sự an nguy vận mệnh quốc gia, nếu Đại Thắng Vương không chịu nhận sắc phong từ triều đình, chiến sự ắt phải nổ ra, mối lợi trong cuộc giao tranh này sẽ hoàn toàn không thuộc về phía triều đình hoặc phía Nguyễn Nộn mà nó tạo cơ hội tốt cho đám loạn quan, loạn tướng đang nhăm nhe phất cờ khôi phục triều Lý.
Trước tình thế này, Trần Thủ Độ một lần nữa tỏ ra xuất chúng trong ván bài chính trị - quân sự, vượt qua mọi sự can gián của các thân vương, ông chấp thuận mọi yêu sách từ phía Nguyễn Nộn, đích thân đứng ra xin vua xuống chiếu ban công chúa Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn, chiêu mĩ nhân kế được ông và Trần Thị Dung tung ra nhằm hai mục đích lớn. Mục đích thứ nhất là tránh sự can qua giữa hai thế quân. Mục đích thứ hai là dùng công chúa lết hợp cùng cánh quân Nghĩa Trụ tiếp tục tăng cường do thám tin tức từ phía Nguyễn Nộn. Đồng thời với việc gả công chúa, ông dùng cánh quân Nghĩa Trụ như là phòng tuyến di động bảo vệ từ xa cho sự an nguy của công chúa, bằng cánh ngầm sắc lệnh cho các toán hương binh ở đây ngày đêm luyện tập hư trương thanh thế nắm vững âm mưu diễn tiến quân sự của toán quân hiếu chiến, hiếu sát xứ Bắc đang lăm le nhòm ngó ngày đêm.
Nguyễn Nộn chấp thuận sắc phong Đại Thắng Vương từ phía triều đình, và phần thưởng vô giá từ phía triều đình là công chúa Ngoạn Thiềm, tuy bị tuổi trẻ của công chúa làm tổn hao đôi chút tinh lực nhưng bộ óc và thói quen chinh chiến của ông vẫn không hề bị sắc đẹp của công chúa làm cho mê muội như vua Phù Sai nước Ngô vì nhan sắc Tây Thi mà mắc mưu Câu Tiễn Việt vương. Sớm đón biết mưu đồ của Trần Thủ Độ, Nguyễn Nộn tuy ngoài mặt thì nhận sắc phong nhưng mưu mô bên trong nhất khoát tìm viện mọi lý do không vào triều bái lĩnh. Để không làm mếch lòng vị vua đương triều, cùng trăm quan, ông vẫn yêu quý công chúa nhưng cho ở tại quân doanh chứ không để hầu hạ nơi cung thất riêng nhằm cách li công chúa với những việc liên quan đến nội tình trong xứ, đồng thời giữ vững được bí mật quân sự khiến công chúa không thể truyền đạt tin tức thu lượm được về cho kinh sư.
Cuộc đối kháng giữa triều đình và quân xứ Bắc, xứ Đông sẽ còn giằng dai chưa thể đi dến hồi kết nếu không xảy ra cái chết đột ngột của Nguyễn Nộn, vị tân vương đang say sưa nhấm nháp chiến công và những vinh quang của một đời xông pha trận mạc, lấy gươm đao cung nỏ làm bạn đồng hành. Tháng 2 năm 1229 tức năm Tin thủ lĩnh xứ Bắc và xứ Đông, Nguyễn Nộn chết đột ngột bay đi khắp quân doanh khiến đám tướng suý dưới trướng của Nguyễn Nộn như rắn mất đầu, hoang mang đến cực điểm, lại thêm sự rục rịch luyện tập hương binh của đám quân Nghĩa Trụ, các chiến thuyền được Trần Thủ Độ lệnh cho tiến từ kinh sư tiến về đậu san sát trên các bến Tế Giang, Đại Thông, Phù Kiều, như đang nóng lòng ngóng chờ cơ hội nhổ neo sau phát pháo lệnh bắn đi từ trung tâm căn cứ Đồng Tỉnh để hội quân cùng các chiến thuyền neo sẵn ở thuỷ trại Hoa Cầu sẵn sàng lao vào trận chiến tiêu diệt đám quân vô chủ của Nguyễn Nộn.
Xã hội Đại Việt sau cái chết của Nguyễn Nộn đã tìm lại được không khí thanh bình, yên ổn. Vùng đất Nghĩa Trụ lại tiếp tục được khai phá mở rộng, dân cư trong các thôn ấp nô nức làm ăn, buôn bán, thông thương, hải sản từ Vân Đồn theo chân các thương lái ngược sông Thương, tìm đến với bến thuyền Hoa Cầu - Nghĩa Trụ giao lưu buôn bán, lâm thổ sản từ vùng cao của lộ Bắc Giang, và các châu lộ khác cũng theo sông Cầu mà xuôi về tập kết trên bến Hoa Cầu. Vùng đất Nghĩa Trụ vào giai đoạn này đã mang dáng dấp của một quần thể làng nông – thương trù mật.
Xã hội Đại Việt đi vào giai đoạn thái bình thịnh trị, đời sống tâm linh của dân cư cũng được cải thiện, dưới sự cai trị của các triều đại nhà Trần, các luồng tư tưởng lớn được tự do lưu tán, truyền bá trong xã hội như Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, đạo Mẫu. Tất cả đều tự do phát triển và tồn tại trong tín ngưỡng dân gian. Cụ thể vào giai đoạn đầu của thời kỳ nhà Trần (mà tiền lệ là từ triều vua của nhà Lý), tư tưởng Phật giáo được coi là quốc thống, điển hình như năm 1231, nhà Trần ra sắc lệnh cho các nơi có dịch đình đều đắp tượng, tô Phật để thờ. Theo đà phát triển, trong thời kỳ này nhiều ấp xã của Đại Việt đều tổ chức xây dựng cho làng mình những ngôi chùa và mời sư sãi về trụ trì. Ở Nghĩa Trụ và các ấp Hoa Cầu, Cửu Tỉnh là vùng dân cư trù mật, kinh tế phát triển nhờ các nghề giao thương buôn bán, sản xuất vải thâm, lượng của cải vật chất dôi dư trong đời sống xã hội và trong các quỹ công tư đều lớn, đời sống văn hoá xã hội nhờ đó được nâng cao, thoả mãn nhu cầu tâm linh cho nhân dân trong các giáp, ấp là yêu cầu chính đáng của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội giai đoạn ấy. Các tầng lớp hào phú mới và các thân vương đã đứng ra vận động nhân dân trong ấp hưởng ứng theo chủ trương của triều đình, tổ chức tập hợp công sức, tiền của trong dân ấp xây dựng ngôi chùa Đồng Tỉnh ngay bên vệ sông, vị trí đất cao nhất của ấp lúc bấy giờ làm nơi thờ Phật, thờ Mẫu, cũng là nơi để mọi tầng lớp nhân dân sinh hoạt tâm linh và gửi gắm niềm tin vào tín ngưỡng của mình.
Nhâm Dần, [Thiên ứng Chính Bình] năm thứ 11 [1242], (Tống Thuần Hựu năm thứ 2). Mùa xuân tháng 2 chia nước làm 12 lộ. Ðặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2, 3, 4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan.
Làm đơn sô hộ khẩu. Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, nguời không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3, 4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.
Triều đình chia nước làm 12 lộ và phân quan chế đến tận các xã sách để phục vụ cho công cuộc cai trị lâu dài. Vùng đất Nghĩa Trụ nằm trong địa hạt của huyện Tế Giang, phủ Thuận An lộ Bắc Giang, các xã Cửu Tỉnh, Hoa Cầu là xã lớn có quan đại tư xã trông nom cai quản. Ruộng đất phần nhiều đều nằm trong tay các vị vương tộc nhà Trần, tô ruộng đất thu được khi ấy phần nhiều là ở những dòng họ khác đã sinh sống lâu đời trên vùng đất này cùng một số dân đinh mới kéo nhau đến khai hoang lập nghiệp sau trận chiến giữa Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn.
Năm 1258, mượn cớ sai quân đi đánh Chiêm Thành, ra lệnh cho triều đình nhà Trần và nhân dân Đại Việt phải cung cấp đủ lương thực cho đội quân lăng, Nhà Trần và nhân dân Đại Việt đã nhất quyết kháng cự lại sự áp đặt phi lý đó. Quân Nguyên được thể tràn vào xâm chiếm toàn bộ bờ cõi Đại Việt, đe doạ cuộc sống thái bình của nhân dân. Khắp cõi Đại Việt khi ấy theo lệnh triều đình nhà Trần, tự tập hợp thành những toán dân binh theo dưới cờ của các thân vương giúp triều đình kháng giặc. Nhân dân lộ Tế Giang tràn ngập không khí kháng giặc, vùng đầm lầy và rừng lau sậy Tế Giang thành nơi cất giấu binh lương phục vụ cho chiến lược thanh dã của triều đình. Các đội hương binh dũng cảm của thuỷ trại Hoa Cầu, Cửu Tỉnh luôn sát cánh cùng nhau giữ vững mảnh đất phên dậu của kinh sư cho đến ngày đại thắng.
Nhận thấy sức mạnh đoàn kết của khối thống nhất nhân dân trong xã, lộ dưới ngọn cờ của thân vương và hoàng tộc, cùng tầm quan trọng của mỗi vùng đất quan yếu, đóng vai trò phên dậu, vành đai bảo vệ từ xa cho kinh sư. Năm 1266, triều đình nhà Trần hạ chiếu cho phép Vương hầu được lập điền trang và chiêu mộ dân lưu tán các xứ về khai phá đất đai, lập nghiệp ổn định cuộc sống, cải thiện điều kiện nuôi dưỡng sức dân. Đất Nghĩa Trụ dưới sự quản lý trực tiếp của con cháu Trần Tự Khánh, tiếp tục chung sức quản lý và khai phá thành vùng đất trù phú, giàu có. Những bãi dâu, ruộng lúa ngày thêm rộng dưới bàn tay khai phá mở mang của người dân Nghĩa Trụ và đám gia nô trong các phủ vương hầu.
Thiên tai, địch hoạ luôn rình rập, đe doạ đến sự yên ổn của mảnh đất đang ngày đêm phát triển, lớn mạnh. Nguy cơ tái xâm lược của đế chế Nguyên Mông theo thời gian ngày càng lộ rõ qua tham vọng muốn làm bá chủ thế giới của Thành Cát Tư Hãn, vó ngựa của đám quân xâm lược đã đặt trên đường phố của hầu hết các nước Châu Âu. ¾ diện tích đất đai của Châu Âu rên xiết, quằn quại dưới làn roi và lưỡi gươm tàn khốc của các đám kị binh Nguyên Mông. Năm 1285, nhân dân Nghĩa Trụ lại thêm lần nữa phải tự tay phá đi những giá trị, thành quả lao động cùng mồ hôi xương máu của mình. Trên cánh đồng và trong từng xã ấp đều triệt để thực hành kế thanh dã vườn không nhà trống theo lệnh triều đình để góp sức ngăn cản bước tiến quân của giặc.
26-2-1285 dưới ngọn cờ tiết tháo của Bảo nghĩa vương Trần bình Trọng, quân dân Nghĩa Trụ, nổi bật là lực lượng dân binh hai xã Cửu Tỉnh và Hoa Cầu đã hăng say chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên khúc sông Thiên Mạc, cản ngăn làm chậm bước tiến của quân giặc giúp hai vua Trần chạy thoát về Thiên Trường, qua trận đánh cảm tử đó họ đã cùng vị chủ suý của mình đi vào cõi bất tử: “Thà làm ma trên đất Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Khí tiết và cái chết oanh liệt của Trần Bình Trọng đã thổi thêm ngọn lửa căm thù giặc vào toàn thể quân dân Đại Việt góp phần làm nên đại thắng. Ông mãi mãi là tấm gương sáng chói về tinh thần bất khuất trước uy lực, không bị mua chuộc bởi vinh hoa phú quý, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Tổ quốc. Cụ Phan Kế Bính viết thơ cảm vịnh ông:

Giỏi thay! Trần Bình trọng
Dòng dõi Lê Đại Hành
Đánh giặc dư tài mạnh
Thờ vua một tiết trinh
Bắc vương sống mà nhục
Nam quỷ thác cũng vinh
Cứng cỏi lời trung liệt
Ngàn thu tỏ đại danh.


Để phục vụ cho công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1286 khi quân Nguyên Mông đã hoàn toàn bại trận trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai, triều đình nhà Trần hạ chiếu cho các vương hầu trong tôn thất chiêu mộ binh lính, phục vụ cho công cuộc kháng Nguyên lần thứ ba đang lơ lửng đe doạ vương triều. Một lần nữa, các trai đinh Cửu Tỉnh, Hoa Cầu đem tài nghệ bơi lặn trên sông nước nô nức tòng quân tham gia chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng giang lịch sử.
Ba cuộc kháng chiến chống sự xâm lược nhà Nguyên liên tiếp xảy ra trong vòng 30 năm khiến vùng đất Nghĩa Trụ cũng như toàn cõi Đại Việt phải gánh chịu quá nhiều tổn thất. Sản xuất lưu thông bị ngừng trệ, thiệt hại về sức người, sức của quá lớn khiến đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1297 để thống nhất sơ sở quản lý hành chính trong toàn cõi, giúp triều đình nhà Trần nắm rõ ràng và sâu sát hơn thực lực kinh tế cũng như nguồn nhân lực bổ xung cho công tác tuyển mộ binh phu, nhà vua đã hạ chiếu đổi các “giáp” trong các châu lộ, thành “hương”.
Ấp Cửu Tỉnh và Hoa Cầu được trở lại tên gọi trước kia (triều Lý) là hương Đồng Tỉnh, và hương Hoa Cầu.
Chùa Đồng Tỉnh sau các cuộc binh biến loạn lạc vẫn toạ trên vị trí đất cũ của hương Đồng Tỉnh, liên tục được dân trong hương chăm lo tôn tạo thêm. Năm 1299 được nhận các bộ kinh Phật giáo và Pháp sư đại tràng công văn cách thức in ấn trên bản khắc gỗ, từ triều đình cấp về. Bộ kinh này có nguồn gốc từ bộ kinh Đại Tượng của Trung Quốc do Trần Khắc Chung khi đi sứ bên nhà Nguyên sưu tầm được và vua Trần Anh Tông dựa vào đó mà cho người soạn thảo lại.
Tháng 7 năm 1352 (Nhâm Thìn) Thiệu Phong thứ 12; Nguyên, năm Chí Chính thứ 12. Mưa lớn liên tục kéo dài nhiều ngày, dòng nước lũ theo sông Nghĩa Trụ dâng trào, các vùng đất trũng mới khai hoá ngập băng trong biển nước đỏ ngầu như máu, lúa má các xã thuộc đất Nghĩa Trụ chìm sâu dưới làn nước lụt. Nước từ thượng nguồn đổ về ngày thêm cuồn cuộn, dòng nước chảy xiết xoáy cuộn xói vào thân đê, lại thêm gió to, sóng lớn nối nhau dồn ép khiến đoạn đê hai xã Đại Bát (Bát Tràng) và xã Thổ Khối vỡ toang, toàn vùng Khoái châu, Hồng châu, đặc biệt ở phủ Thuận An, những gì còn lại trên vùng đất khả dĩ cao lần nữa lại bị cuốn trôi vào trong dòng nước lũ. Người và gia súc chết vì lũ cuốn nhiều vô kể.
Trận lũ lụt bất ngờ và hậu quả nặng nề của nó để lại khiến người dân Nghĩa Trụ lâm vào tình trạng lao đao, tang tóc. Bao nhiêu công sức khai điền tạo thổ lập nên hương xã trù mật nay bỗng bị xoá sạch chỉ vì một trận lũ tràn qua. Nhiều gia đình, đại gia đình bị nước lũ cuốn trôi chết không còn một ai, nạn đói, rồi dịch bệnh, hoàng trùng như một cơn lốc ùn kéo tới, bao phủ lớp sương tang tóc lên những gia đình vừa may mắn thoát chết trong gang tấc. Trong các ấp xã lại tiếp tục có thêm những người chết vì đói, vì bệnh dịch. Không khí làng xóm tiêu điều xơ xác, kẻ chết chưa tìm nổi chỗ chôn, xác còn buộc vào cành bàng, ngọn cau chờ nước rút thì lại có thêm dăm bảy mươi người nữa gục chết.
Dân Nghĩa Trụ đặc biệt là hai làng Đồng Tỉnh và Hoa Cầu nổi tiếng là trù mật khi ấy cũng phải đưa nhau đi tha phương cầu thực, các tộc họ theo bước chân tộc trưởng dẫn đầu đoàn người đi tìm kiếm vùng đất mới. Như những bóng lá khô câm lặng, theo nhau từng đoàn, nương tựa nhau cùng ngược dòng sông về phía thượng lưu, nơi ấy là những vùng núi cao, rừng sâu sẵn nguồn lương thực, thực phẩm tự nhiên cung cấp nguồn sống cho họ, trong số những tộc họ trên bước đường thiên di, có không ít tộc họ đã định cư lại nơi mới khai phá, cộng đồng làm ăn sinh sống cùng cư dân bản xứ ổn định cuộc sống, phần lớn họ đều mong muốn xa hẳn được nỗi lo nơm nớp mỗi mùa lũ lụt, mưa bão tràn về.
Sau trận thuỷ tai, nhiều dòng họ đã định cư lâu đời trên vùng đất này hoặc bị trận lũ xoá xổ, hoặc chuyển hẳn đi nơi khác sinh sống, công lao khai phá của họ gửi lại trên vùng đất Nghĩa Trụ này là những trầm tích văn hoá, những gò đống bãi bồi, cùng bia mộ tổ tiên đang nằm ẩn sâu dưới lớp bùn phù sa màu mỡ, lầy thụt trận thiên tai vừa để lại. Những dòng họ còn trụ lại nơi đây hoặc thuộc lớp tôn tộc thân vương nhà Trần và các đại quan nội triều, được sự bảo hộ, cung cấp lương thực thực phẩm của triều đình, hoặc là những tộc họ quá yếu, không đủ sức tổ chức các đoàn trai đinh đi tìm nơi cư trú mới, chấp nhận ở lại bám vào dòng sông Nghĩa Trụ và hệ thống đầm lầy, lạch nước của nó để lại sau cơn lũ kiếm tìm con tôm, con cá mưu sinh qua ngày chờ mùa cấy mới. Những người dân trung kiên của xứ Nghĩa Trụ không ngại ngần gian truân vất vả, mặc sức tàn phá của thiên tai địch hoạ đời này tiếp nối đời khác đem xương và máu của mình tiếp tục cuộc chinh phục thiên nhiên thật xứng đáng với tên gọi Nghĩa Trụ từ thủa sơ khai xưa của vùng đất này.


.........................
Theo cuốn Miền quê Văn Giang của tác giả Lê Văn Ba thì các xã Mễ Sở, Sâm Khố vào đời Trần là những căn cứ chính (kho quân lương) cất giấu lương thực của triều đình.
Theo Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục: “năm 1228. Ðoàn Thượng chiếm cứ huyện Đường Hào thuộc Hồng Châu, đắp luỹ ở xã Yên Nhân, biên tên những quân dân ở các làng bên cạnh sung vào việc phòng thủ. Nộn đem quân đánh, Đoàn Thượng thua, bị chết. Nhân đấy Nộn thống lĩnh cả quân của Đoàn Thượng, rồi cướp bóc con trai, con gái và của cải ở Hồng Châu, con Đoàn Thượng tên là Văn cũng đem gia thuộc ra hàng Nguyễn Nộn, Bấy giờ uy thanh Nguyễn Nộn lừng lẫy, Thủ Độ lấy làm lo lắm, chia quân phòng giữ các nơi và xin nhà vua sai người đem thư mừng, gia phong tước là Hoài Đạo hiếu vương, lại đưa Ngoạn Thiềm công chúa gả cho Nguyễn Nộn...
Năm 1229 Nộn thống lĩnh cả quân của Đoàn Thượng, tự xưng Đại Thắng vương ăn chơi quá thể, biết mình không thể đối lập với nhà Trần, cho nên hẹn đến tháng 10 sẽ vào chầu, nhưng liền bị bệnh, nhà vua sai viên chức trong nội điện yên ủi thăm hỏi, Nộn cố gắng ăn cơm và nhảy lên mình ngựa, tỏ ra mình vẫn còn khoẻ, nhưng chưa được bao lâu thì chết. Từ bấy giờ trong nước mới yên ổn”.
Theo Đại Việt sử lược thì Nguyễn Nộn chết năm 1219, tức đương thời Lý Huệ Tông.
Việt Sử Tiêu Án chép Nguyễn Nộn chết năm 1229 tức đương triều Trần Thái Tông.

0 nhận xét:

Post a Comment