Làng Đồng Tỉnh - Làng Xuân Cầu (2.5) CĂN CỨ NGHĨA TRỤ VỚI VAI TRÒ KẾT THÚC CHIẾN LƯỢC BÀNH TRƯỚNG QUYỀN LỰC TRÊN DIỆN RỘNG CỦA TRẦN TỰ KHÁNH

Monday, March 18, 2013

Chương II LÀNG ĐỒNG TỈNH – LÀNG XUÂN CẦU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ




5. CĂN CỨ NGHĨA TRỤ VỚI VAI TRÒ KẾT THÚC CHIẾN LƯỢC BÀNH TRƯỚNG QUYỀN LỰC TRÊN DIỆN RỘNG CỦA TRẦN TỰ KHÁNH


Căn cứ Nghĩa Trụ và đại quân doanh ở Cửu Tỉnh trước sức ép của Nguyễn Nộn liên tục vây lấn vượt sông đánh phá khiến nó gần như bị cô lập hoàn toàn, những luỹ rào cản Lại Linh và Trần Tự Khánh bố trí xây đắp dọc sông Nghĩa Trụ không thể giảm bớt được sức ép chiến lược từ Bắc Giang và kinh sư tràn theo luỹ Vạn Xuân và chợ Cái vượt sông tràn vào. Châu Đình, người được giao trọng tránh giữ đại quân doanh, nhân dịp Lại Linh dẫn quân đi đánh dẹp nơi xa vội ngầm hẹn ước với quân Nguyễn Nộn xin hàng về theo triều đình.

Hậu cứ bị mất khiến Trần Tự Khánh hết sức bàng hoàng, thất bại thảm hại này là đáp án xác thực cuối cùng trả lời cho chiến lược phát triển thế lực cát cứ lâu dài các vùng đất, tạo tiền đề cho Trần Tự Khánh và tôn tộc Trần bước nên nấc thang quyền lực cuối cùng của vương triều. Tháng 3, Trần Tự Khánh đánh làng Khoái, san bằng làng này. Nguyễn Đường và người con của ông tên là Thổ ra hàng ở đó.

Mất hậu cứ Cửu Tỉnh, Trần Tự Khánh sai Nguyễn Đường và Nguyễn Giai, đắp lũy Hoàng, An Lợi đắp lũy An Giá, Dương Từ đắp lũy Công Chúa. Nguyễn Nộn lo sợ trước kế cầm cự lâu dài của quân tộc Trần trên mảnh đất Hồng Châu vội điều xuất hết binh lực tập trung đánh An Lợi, Nguyễn Đường và Nguyễn Giai, các cánh quân đắp luỹ của Trần Tự Khánh ở đây đều bị thua cả.

Trần Tự Khánh nghe tin Nguyễn Đường bị thua bèn dẫn binh đi tiếp cứu, đồng thời sai các viên tướng của y là Trần Thủ Khánh, Trần Hiến Sâm và Đào Phán đóng quân ở Lan Kiều để đánh tướng của Nguyễn Nộn là Phí Thám và thắng được, quân Nguyến Nộn vội vã kéo về đại bản doanh cố thủ.

Trần Tự Khánh nhân đà thắng lại tập trung các cánh quân đi đánh quân Đại Hoàng, do hành binh liên miên, lại phải đánh trận với đám quân quá thành thạo thủy chiến, quân Trần Tự Khánh bị thua to, trong trận ác chiến này viên tướng của Khánh là Nguyễn Đường bị chết đắm trong đám loạn quân.

Để trả mối thù thiệt tướng, mất đất và đặc biệt phải chịu quá nhiều tổn thất cho chi phí các cuộc tiễu binh. Mùa thu, tháng 7, Trần Tự Khánh dẫn quân vào kinh thành đốt cung Động Nhân, vua sợ hãi vội sai rước thần chủ Thái Hậu Linh Nhân về đền Chúc Thánh.

Trần Tự Khánh mất căn cứ Nghĩa Trụ về tay Nguyễn Nộn, liền đem quân về Thuận Lưu, ra sức tiến đánh các nơi uy hiếp kinh thành, một mặt ngầm cho người đốc thúc Trần Thị Dung sớm thuyết phục Lý Huệ Tông, chấp nhận vai trò quyền lực của tộc Trần trong vương triều, bởi cơ hội để nắm vững và khả dĩ khống chế được kinh sư đã rơi vào tay Nguyễn Nộn. Hợp binh cùng triều đình sẽ giúp cho quân của Trần Tự Khánh có thêm được nhiều lợi thế, nhờ đó sẽ dập tắt được cuộc khủng hoảng trong toàn quân tộc Trần.

Giai đoạn này, Lý Huệ Tông đã nhìn ra manh tâm của Nguyễn Nộn, lại thêm Trần Thị Dung luôn bám sát bên cạnh, ngày đêm khéo léo tỉ tê thuyết phục, chỉ vẽ cho nhà vua rõ mối lợi của việc hợp tác cùng Trần Tự Khánh, khiến nhà vua tự nhận thức ra nhiều mặt còn hạn chế trong việc dụng binh, cùng tác hại của hành động áp đặt, điều khiển mọi công việc triều chính của bà Thái hậu tham lam quyền lực.

Ngày Giáp Thìn, nhà vua cùng với phu nhân tranh thủ đêm tối, lên thuyền trốn sang trại quân Thuận Lưu theo về với Trần Tự Khánh. Trên đường tìm về, thuyền nhà vua đã gặp thuyền của viên tướng Vương Lê theo lệnh Trần Tự Khánh đem chiến thuyền đến đón rước và hộ tống về đại quân doanh. Thái hậu và các Công chúa đều lẩn tránh ở Ô Kim không chịu theo về.

Trần Tự Khánh khi thấy nhà vua thì mừng rỡ lắm, liền cho thông báo tin này trong toàn quân, các tướng sĩ vui mừng đánh trống nhảy múa hoan hô nhà vua. Biết vua đã thuận theo thế lực của mình, tháng 11 năm ấy Trần Tự Khánh đưa trả mũ Bình Thiên cho vua như một món quà thế tội.

Sau các cuộc hành binh đánh chiếm cát cứ thế lực, tổn hao binh tướng quá nhiều, năm Bính Tý (năm 1216) là năm Kiến gia thứ 6, Trần Tự Khánh và Lý Huệ Tông đều đã thấy rõ mối lợi của sự hoà hợp thế lực cùng nhau. Đón được Lý Huệ Tông ngả về phe cánh, Thế lực trần tộc một thời lao đao tưởng chừng sập đổ giữa chừng, nay lại hồi sinh, phát triển. Trần Tự Khánh luôn tỏ ra một trung thần hết lòng vì nước, luôn biết chăm sóc ve vãn cho vị vua đang ngày một xa rời vị thế của mình đúng nơi, đúng lúc.

Tháng giêng, nhà vua cùng với Thái Hậu ngự ở thảo điện (điện bằng cỏ) để thị triều. Trần Tự Khánh trả lại cái ghế bằng vàng.
Đáp trả lại thịnh tình của vị tướng dày dạn trận mạc của tộc Trần, Mùa đông, tháng chạp vua tiến phong cho Trần Thừa tước Liệt hầu, Phùng Tá Chu và Lại Linh đều được phong tước Quan nội hầu. Trần Tự Khánh được đặc tiến thăng làm Thái úy, những lúc triều bái nhà vua thì không phải xưng tên.

Trần Thừa lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, đồng thời sai mở đê để đưa nước vào các làng ấp. Lại Linh theo cái thế nước ấy mà đánh. Quân của Nguyễn Nộn thua to. Vợ con của Nguyễn Nộn đều bị bắt. Nguyễn Nộn đem hơn một trăm người lui về giữ Phù Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Một thời gian dài sau khi căn cứ Nghĩa Trụ rơi vào tay Nguyễn Nộn. Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung đã khuyên nhủ được vua Lý Huệ Tông chấp nhận trở lại kinh sư hợp binh cùng Trần Tự Khánh, bỏ mặc lời can gián của Thái hậu, vì thế lực của Nguyễn Nộn ngày càng tỏ ra yếm thế, suy yếu dần, ngôi vị trí bá chủ các chiến trường lại thu về tay Tự Khánh và tộc họ Trần hương Tức Mặc.

Căn cứ Nghĩa Trụ được Trần Tự Khánh phát quân đánh chiếm thu hồi, vai trò đối kháng quân sự, khống chế kinh thành của nó đến giai đoạn này cũng hoàn toàn chấm dứt. Khép lại toàn bộ trang sử phát triển cực thịnh của vùng đất một thời là cái chết của Lại Linh và gia quyến, cái chết của người có tâm huyết, công sức tổ chức khai phá, mở mang điền thổ, dân sinh dưới sự vô tình của Trần Tự Khánh.




 ❧ ❀ ❧


0 nhận xét:

Post a Comment