II. ĐỒNG TỈNH – HOA CẦU NGÀN NĂM VĂN VẬT - PHONG TỤC TẬP QUÁN

Monday, March 18, 2013

PHONG TỤC TẬP QUÁN



Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết

A. ẨM THỰC TRANG PHỤC



Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của bất cứ động vật sống nào, loài người cũng vậy, không phân biệt màu da, sắc tộc, chính kiến, tôn giáo, tín ngưỡng tất cả hoạt động sống tồn tại, duy trì được là nhờ vào khả năng hấp thụ và chuyển hoá thức ăn thành vi chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Mỗi cộng đồng dân tộc, tuỳ theo hoàn cảnh địa lí, môi trường sinh thái, truyền thống lịch sử mà có các sở thích chế biến thức ăn khác nhau, đồ uống khác nhau, những quan niệm về ăn uống dần dần được hình thành cùng thời gian năm tháng trở thành những tập quán, phong tục ăn uống khác nhau.

Ở ĐỒNG TỈNH với sự thiên di của dân cư từ nhiều vùng khác nhau đến, khiến phong tục ăn uống kiêng khem mỗi vùng đều có những điểm khác biệt, mang dấu ấn đặc trưng riêng của vùng đất mình sinh ra, nhưng tựu chung lại các sản vật như lúa gạo, khoai mì, thịt cá, rau xanh các loại vẫn là món ăn chủ đạo trong bữa cơm thường ngày của tất cả mọi người.


Cơm tẻ là món chủ đạo không thể thiếu của các bữa ăn trong ngày. Cơm tẻ được thổi nấu từ nhiều loại gạo tẻ trồng trên ruộng nước.

Cơm nếp, xôi chế biến từ gạo nếp dùng trong các dịp tế lễ sóc vọng, giỗ chạp, cưới xin, ma chay.

Rau xanh được coi là nguồn cung cấp các laọi khoáng chất, Vi ta min A, B, C… cho cơ thể con người được dùng thường xuyên trong các bữa ăn, chế biến thành nhiều món thích hợp khẩu vị và khẩu phần ăn của các thành viên gia đình trong bữa cơm.

Thịt, cá, các loại thực vật có nguồn đạm cao là nguồn cung cấp chất bổ dưỡng cho bữa ăn cũng có mặt trong bữa cơm mọi gia đình.

Mắm muối gia vị, là nguồn cung cấp các chất muối khoáng, đạm tinh chất cho cơ thể. Được dùng kết hợp để chế biến các món ăn thường ngày.

Dân dã sử dụng đồ uống như một nhu cầu giải khát hàng ngày trực tiếp bù cho cơ thể lượng nước thiếu hụt.

Nước uống có nước lá vối, nước lá chè tươi hoặc phơi khô, khi uống đun sôi hoặc ngâm vào nước sôi trong bình pha, sau đó rót ra uống khi khát.

Rượu trắng (rượu ta) là đồ uống thông dụng của các đấng nam nhi và cả một số nữ nhi thích “cảm giác bồng bềnh”, được chế biến từ gạo nếp (rượu nếp, rượu cái), hoặc gạo tẻ (rượu gạo), hoặc các loại củ khoai sắn, quả mơ mận (rượu sắn, rượu mơ) theo cách ủ lên men và chiết xuất bằng thuỷ phân. Được dùng làm đồ uống trong các bữa ăn với quan niệm dân gian “uống chút rượu cho ấm lòng”, bữa tiệc chiêu đãi, hoặc tiếp đón khách khứa thăm viếng trong các dịp tế lễ, giỗ chạp, hiếu hỉ” không rượu không thành lễ”.


Rượu cồn (rượu ngoại) có nhiều chủng loại, đáp ứng đủ mọi sở thích của mọi người tiêu dùng, có đặc điểm được sản xuất theo lối công nghiệp với công nghệ cao, độ cồn thấp, giá thành tất nhiên cũng cao hơn rất nhiều so với rượu ta, được một số người tiêu dùng thuộc tầng lớp dân cư khá giả, có điều kiện kinh tế sử dụng trong các dịp lễ tết.

Bia chai và bia hơi được sản xuất từ lúa mạch, theo công nghệ lên men vi phân và chưng cất theo công nghệ riêng được nhiều người ưa thích, sử dụng như đồ uống giải khát hoặc thay rượu trong các bữa ăn, các cuộc gặp gỡ hội hè, các đám hiếu hỉ.

Trang phục truyền thống
Tương tự như phong tục tập quán ăn uống, quần áo cũng có rất nhiều kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, và hoa văn trang trí trên trang phục mang nét riêng biệt, làm nên diện mạo và bản sắc riêng của mỗi vùng, các loại trang phục truyền thống này hiện nay ít được sử dụng, đa phần chỉ được mọi người mặc vào các dịp lễ tết, hội hè.

Trang phục phổ thông
Là các loại trang phục may sắn, đa dạng kiểu dáng, màu sắc phong phú, có nguồn cung cấp từ các cơ sở may lớn trong nước như Việt Tiến, May 10, hoặc các thương hiệu sản phẩm may mặc nổi tiếng như levis… v.v., được nhiều người ưa chuộng bất kể dân tộc thiểu số nào, đặc biệt tầng lớp thanh niên, các loại trang phục may sẵn luôn dành được sự quan tâm hàng đầu của họ mỗi khi có dịp đi chợ mua sắm.

Đầu tóc, răng lợi
“Cái răng, cái tóc là góc con người” là nét văn hoá truyền thống Việt Nam, luôn quan tâm và đề cao hình thức của con người qua mái tóc, khi nhắc đến “đầu bù tóc rối” là mọi người liên tưởng ngay đến hành trạng của người cầu bơ, cầu bất, lang thang đầu đường xó chợ, “đầu bù, răng bựa” dùng để chỉ hạng người vô tích sự, ham ăn, ham chơi, lười nhác lao động, truyền thống đàn ông con trai cắt tóc ngắn, đàn bà phụ nữ nuôi tóc dài đã thành nét đẹp văn minh, văn hoá truyền thống.

Tục mài răng, nhuộm răng chỉ tồn tại trong một số lớp người thuộc thế hệ sinh trước năm 1945, đến nay không còn tồn tại.

Tuỳ theo địa hình cư trú của mỗi gia đình mà kết cấu nhà ở có những điểm khác nhau, nói chung kết cấu nhà ở của người Việt ngày nay đều chú trọng đến tính tương đồng, tương thích cùng môi trường sinh thái, ít phân biệt theo truyền thống của từng dân tộc.

Các kiểu nhà vách đất nện, mái lợp lá hoặc các vật liệu dễ kiếm có sẵn trong môi trường tự nhiên xung quanh.

Hiện nay đa phần các ngôi nhà đều được xây dựng theo lối bê tông hoá, mái bằng đổ bê tông cốt thép, nền lát đá, gạch hoa, tường gạch đỏ, hoặc gạch xỉ, nhà cửa được xây dựng theo lối mới, cột bê tông chịu lực, tường che, cửa gỗ kính, hoặc cửa xếp sắt. Cầu thang nối các tầng và lan can trang trí được dùng bằng gỗ tiện trang trí hoặc loại thép trắng chống rỉ, rất phù hợp với dải khí hậu nóng ẩm của nước ta.



B. HÔN LỄ - CƯỚI HỎI - SINH NỞ - MỪNG THỌ - MA CHAY



Hôn nhân là việc trọng đại của một đời người, ngay từ thủa xa xưa chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến việc chọn vợ gả chồng cho con cái do cha mẹ, hoặc các huynh trưởng quyết định, vấn đề yêu đương tìm hiểu và tự do hôn nhân không hề tồn tại hay là có khái niệm trong giai đoạn đó.
Ngày nay, hôn nhân đã được sự bảo trợ của pháp luật, và tục đa thê, đa phu cũng đã bị xoá bỏ thay vào đó là luật hôn nhân với quy định của pháp luật chỉ cho phép một vợ, một chồng.
Các cặp trai gái đến tuổi trưởng thành, yêu đương tìm hiểu nhau được tự do cởi mở tâm tình, có quyền lựa chọn cho mình người bạn đời mà cô ta (anh ta) cảm thấy gắn bó nhất, yêu quý nhất. Sau khi đã thống nhất chấp nhận xây dựng cuộc sống gia đình với nhau, hai người sẽ từng bước ra mắt và xin phép bố mẹ hai bên để tiến tới mục đích chung sống lâu dài với nhau, cuộc hôn nhân chính thức được tiến hành.

Các lễ thức của việc hôn nhân
Khi được pháp luật thừa nhận là có đủ điều kiện và năng lực đáp ứng những quy định, quy chế pháp luật hiện hành để đi tới mục đích hôn nhân của đôi trai gái qua việc cấp giấy “đăng ký kết hôn” cho đôi uyên ương của Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi cô dâu hoặc chú rể cư trú. Sau đó hai bên gia đình đại diện là bố mẹ cô dâu chú rể và các bậc phụ huynh trong tộc họ bắt đầu tiến hành bàn bạc và thực hiện lần lượt các nghi thức, vai trò chủ yếu thuộc về nhà trai:

Lễ chạm ngõ
Nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái thông thường là trầu cau, rượu, trà để ước hẹn với nhau sẽ vun đắp cho đôi trẻ lên vợ nên chồng. Nhà gái nhận lễ sẽ đem cúng gia tiên và chia biếu các vị tôn trưởng trong tộc họ.
Từ lễ chạm ngõ cho tới lễ ăn hỏi không giới hạn thời gian, tuỳ theo điều kiện thực tế của đôi trai gái như kinh tế, công ăn việc làm, tang ma trong nội tộc. Cũng có nhiều trường hợp sau khi dạm ngõ, vì lí do nào đó mà không thể thực hiện được các bước tiếp theo nữa thì hôn ước coi như bị xoá bỏ.

Lễ ăn hỏi
Nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái để xin xác định ngày làm lễ thành hôn cho đôi trẻ, lễ vật không thể thiếu là buồng cau, cơi trầu, hoa quả, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, trà…vv, lễ vật đặt trong những quả ơn son thếp vàng và những mâm son phủ lụa đỏ (lụa điều), tuỳ theo từng lễ ít nhất là 3 mâm, nhiều có thể lên tới 9 hoặc 11 mâm quả.
Nhà gái tiếp nhận lễ vật, bày cúng gia tiên, mỗi thứ đồ lễ đều san bớt lại một phần trao lại cho nhà trai (gọi là lại quả) phần lễ nhận sẽ được chia đều cho họ hàng, bạn bè thân thuộc, hàng xóm láng giềng gọi là quà báo hỷ của nhà gái.


Lễ cưới
Đối với nhà trai là lễ đón dâu, nhà gái là lễ tiễn dâu
Trước giờ đón dâu, hoặc trước khi đoàn đón dâu nhà trai đến cổng ngõ nhà gái, phải cử ra một người phụ nữ đứng tuổi có thể là mẹ chú rể đại diện cho đoàn rước dâu cùng vài ba bà khác đem cơi trầu, trong có đặt tờ giấy bạc mới (tiền mới) mang tính chất tượng trưng không tính đến giá trị thực của đồng tiền, đến xin dâu, sau đó chú rể và đoàn rước dâu đúng giờ tốt đã định khởi hành đến nhà gái đón dâu về. Tại nhà gái, cô dâu và chú rể mới làm lễ trước bàn thờ gia tiên cẩn cáo cùng tiên tổ về chứng giám nhận mặt con cháu và coi chú rể đã chính thức là một thành viên trong gia đình.
Sau lễ gia tiên, cô dâu làm lễ vái chào bố mẹ, người thân, họ hàng nhà gái, cùng đoàn phù dâu lên xe hoa về nhà chồng.
Tại nhà trai, khi đoàn rước dâu về đến cổng thì mẹ chú rể tạm thời lánh mặt sang nhà hàng xóm, sau khi đôi vợ chồng trẻ làm xong các thủ tục lễ gia tiên trước bàn thờ tổ tông, cô dâu chú rể về vị trí chủ toạ nhận lời chúc phúc của bạn bè và mọi người khách dự tiệc cưới, người chủ hôn khi này có vai trò hoạt náo, mua vui cổ động mọi người múa hát văn nghệ chào mừng cho đôi trẻ bên nhau đến đầu bạc răng long.

Lễ lại mặt
Sau ba ngày tổ chức đám cưới, sang ngày thứ tư nhà trai sắm sửa cau trầu, xôi gà cho đôi vợ chồng đem sang nhà gái làm lễ cúng gia tiên, gọi lễ này là lễ lại mặt (tứ hỷ).
Ngày nay thường là ngay sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ đã đưa nhau về bên nhà vợ làm lễ cúng gia tiên rồi bày cỗ ăn mừng, đó cũng là lại mặt nhưng là lễ (nhị hỷ).

Sau lễ thành hôn, cả hai bên gia đình nội ngoại của cô dâu, chú rể đều mong ngóng “tin mừng” từ phía cô dâu tức tin cô dâu báo có thai. Đó là ước vọng chính đáng của ý thức duy trì nòi giống, truyền lưu dòng dõi huyết thống, mong có người nối tiếp nghiệp nhà, và đặc biệt điều này mang đậm nét văn hoá của nền văn minh nông nghiệp “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Mang thai
theo cách tính toán cổ truyền từ khi có tin mừng cho tới khi sinh nở là chín tháng mười ngày trong khoảng thời gian gần 300 ngày này người phụ nữ mang thai phải thực hiện chế độ kiêng cữ chặt chẽ, mọi người trong gia đình đều tự ý thức tạo điều kiện chăm sóc thuận lợi và thoải mái nhất cho cô con dâu đang mang bầu.

Sinh nở
Thông thường thai nhi đến kỳ, đủ ngày đủ tháng thì người mẹ trở dạ sinh nở, có nơi đón bà mụ người đỡ đẻ về tận nhà để giúp sản phụ sinh nở mẹ tròn con vuông, có dân tộc người phụ nữ phải tự xoay sở vật lộn “vượt cạn” một mình, hiện nay việc sinh nở và chăm sóc bà mẹ mang thai được các trung tâm y tế cơ sở đảm nhiệm với các gói đẻ sạch, chăm sóc và dành cho thai nhi các điều kiện chăm sóc thuận lợi tối ưu.

Đặt tên cho trẻ
Khi mới sinh con, mọi người đều tránh đặt tên ngay mà thường dùng các tên gọi tạm thời như cún, vện, cu, hĩm để gọi đứa bé, tuỳ theo giới tính của trẻ mà gọi tên. Sau khi đầy tháng hoặc đầy năm, tuỳ từng nơi tổ chức lễ đặt tên chính thức cho con trẻ. Ngày xưa tên thường được ông nội hoặc bố đứa trẻ đặt, để tránh trùng tên với ông bà, cụ kỵ tiên tổ nội tộc nhà chồng, thứ nữa là tránh đặt tên trùng với tên thành hoàng làng, thần làng, tiếp đến phải tránh trùng tên với các bậc cao niên, anh em họ hàng nội ngoại và những người già cả trong làng nơi gia đình nhà chồng định cư sinh sống.
Ngày nay có nhiều trường hợp đặt tên ngay sau khi đứa trẻ ra đời, để tiện việc làm giấy khai sinh cho trẻ, cha mẹ trẻ đỡ phải tốn nhiều công đi lại làm thủ tục khai sinh và đăng ký khai sinh. Tên khai sinh này gắn bó suốt đời với đứa trẻ, là tên gọi hợp pháp được sử dụng trong tất cả các giấy tờ chứng minh nhân thân, có tư cách pháp nhân trong mọi giao dịch, giao tiếp với xã hội, được pháp luật gián tiếp bảo hộ.


Đi học
Nhiều dòng họ chú trọng tới việc học hành của trẻ, tự đặt ra những lệ tục như hàng năm tổ chức buổi họp mặt đông đủ mọi người trong tôn tộc và làm lễ ghi danh những đứa trẻ đến tuổi đi học vào sổ khuyến học của dòng họ, kết hợp tổ chức tuyên dương thành tích và trao quà thưởng cho những đứa trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập.

Mừng tuổi
Thường vào dịp đầu xuân hàng năm, xuất phát từ lệ coi trọng tuổi trời, đứa trẻ sinh ra dù vào dịp cuối năm hoặc trước giao thừa vẫn được tính thêm một tuổi khi bước vào năm mới. Vào dịp tết Nguyên Đán đứa trẻ nào cũng náo nức chờ đợi được nhận tiền mừng tuổi của người lớn, số tiền mừng tuổi thường được gói trong phong bao đỏ hoặc hồng điều là những tờ giấy bạc mới kèm theo món tiền mừng tuổi này là những câu chúc phúc cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn, học hành tiến bộ giỏi giang.
Với những người cao tuổi, con cháu cũng thực hiện lệ này với tấm lòng thành tôn kính cầu mong cho các cụ được khoẻ mạnh sống lâu.

Trong các thôn bản, làng phố, những người từ 50 tuổi trở lên được coi vào diện lão, nhân những dịp tròn 50, 60, 70, 80, 90 tuổi con cháu trong gia đình thường tổ chức các buổi lễ mừng thọ và mừng thượng thọ, các cụ ông, cụ bà được ngồi vào ghế đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà, con cháu lần lượt vào tặng quà và gửi lời chúc thọ.

Qua lời chúc đại thể là cám ơn công đức sinh thành dưỡng dục của mẹ (cha, ông bà, cụ kị) và bày tỏ niềm hạnh phúc của mình khi được chăm sóc cho mẹ (cha, ông bà, cụ kị) cũng như cầu mong cho mẹ (cha, ông bà, cụ kị) được trường thọ, sống lâu thêm nhiều tuổi nữa, đó cũng là hồng phúc của các cháu con.

Chết là kết thúc vòng sinh trưởng sinh học của một đời người. Việc chết của một con người từ nhiều đời nay đã được nhân loại quan tâm, tìm hiểu bản chất thực của cái sự chết, đã có không ít luận thuyết được xây dựng nên xung quanh vấn đề này. Việc đón nhận cái chết như một lẽ tự nhiên hay tìm mọi cách chế ngự kéo dài, khuất phục nó đã khiến nhân loại tốn không biết bao nhiêu trí lực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của tất cả mọi người tới mọi vấn đề nảy sinh xung quanh cái chết.
Trong tín ngưỡng dân gian quan niệm chết là sự trở về với thế giới vĩnh hằng, là được về cõi niết bàn, cõi Phật, ở đó không tồn tại những ý niệm không - thời gian, không tồn tại sự khổ đau mà trần tục loài người đang gồng mình hứng chịu. quan niệm “Sống gửi thác về”, “sống có phận, chết có số” “Trần sao âm vậy” đã khiến nảy sinh ra rất nhiều phong tục, tập quán trong việc đón nhận và xử lý thi hài đồng loại sau khi chết.

Một số bước chuẩn bị khi trong nhà có người chết
Khi người già có những triệu chứng khó ở, thường được con cháu dành riêng cho một cái giường kê ở vị trí giữa nhà và gạn hỏi những điều trăn trối cuối như tâm tư nguyện vọng nào mà người sắp chết chưa được thoả mãn, còn việc gì chưa hoàn thiện để con cháu và những người đang sống gánh vác thực hiện thay, sau đó người giữ trách nhiệm cúng tế chính trong các buổi giỗ chạp sau này sẽ ghé tai người sắp chết thì thầm đọc “tên hèm” để sau khi chết, hồn người đó mỗi khi nghe con cháu đọc nhắc đến cái tên ấy thì về nhận đồ tế lễ, tránh trường hợp những vong hồn không nơi nương tựa về hưởng tranh phần.


Khi người đã chết thực sự, con cháu thấy không còn thở nữa bằng cách đặt một nhúm bông hoặc lông gà vào mũi mà không thấy lay động, hoặc đặt cái gương vào mũi mà không thấy gương mờ vì hơi nước khi thở thì thi thể khi ấy sẽ được chuyển đặt xuống đất một lát với ý nghĩa tín ngưỡng mong cho sinh khí phục hồi, sinh ra trưởng thành từ đất mẹ, nay lại trở về với đất mẹ. Sau đó lại chuyển thi thể người đã chết lên giường, phủ kín bằng tấm vải niệm, riêng phần mặt được che đậy bằng một lớp giấy bản. Trong thời gian chờ phát tang để mọi người thân cùng bà con lối xóm đến chào tiễn biệt lần cuối cùng, người nhà phải đi mời thầy địa lý về xem giờ chết tốt hay xấu và mời phường kèn định giờ phát tang, nhập quan, hạ huyệt để căn cứ vào đó bố trí thời gian tổ chức tang lễ cho phù hợp.

Lễ hú hồn
Nhà có người vừa chết, người con cầm áo người chết mặc khi tắt thở mới thay, trèo lên mái nhà theo lối cửa trước, hú gọi hồn người chết trở về ba lần, sau đó tụt xuống theo mái nhà bên kia vào theo lối cửa sau phủ tấm áo ấy lên trên thi thể người chết mong cầu sự hồi sinh lại của người vừa chết.

Lễ phạm hàm
Chắc chắn rằng cơ thể người đã chết hẳn rồi, con cháu trong gia đình khi ấy lấy một chiếc đũa gài ngang miệng, sau đó bỏ một nhúm gạo, ba đồng tiền hoặc mảnh vàng lá vào trong miệng người chết. Hành động tín ngưỡng này có ý nghĩa trên đường người chết đi đến cõi cực lạc, luôn có sẵn lương thực và tài sản mang theo làm lộ phí sẽ không gặp trở ngại. Lễ này gọi là Phạm hàm.

Lễ khâm liệm
Gồm tiểu liệm và đại niệm. Tiểu niệm gồm một mảnh vải dọc, ba mảnh vải ngang, thường là vải trắng, những nhà có điều kiện có thể dùng vóc, lụa. Xếp các mảnh tiểu liệm cho ngay ngắn, đặt tấm vải rộng (vải khâm) lên trên, rồi khênh thây đặt vào chính giữa, xếp các đồ chèn thường là giấy bản rồi buộc thi thể lại cho chặt. Đại liệm gồm một mảnh dọc, năm mảnh ngang, cũng được sắp xếp tuần tự như tiểu liệm.

Lễ nhập quan
Sau khi đã xem xét cẩn thận giờ giấc, giờ lành thì con cháu tiến hành nghi thức nhập quan cho người chết, khênh thây đã khâm liệm đặt vào quan tài quay đầu ra phía ngoài sau đó dùng giấy bản chèn cho chặt bốn xung quanh. Nếu người chết phạm giờ xấu, thì khi nhập quan người nhà sẽ để vào theo một cỗ bài tổ tôm 120 quân, cuốn lịch cũ hoặc dán bùa yểm để trừ tà khí rồi đậy nắp quan tài, gắn chặt bằng sơn ta. Trên nắp thiên bày các bát hương, bát cơm đơm đầy cùng quả trứng gà bóc vỏ kẹp giữa hai chiếc đũa cắm thẳng đứng, đầu đũa vót xơ bông. Theo tín ngưỡng dân gian, khi người chết phạm vào cung giờ xấu (giờ quan tuần đi bắt lính) nếu linh hồn của người chết bị sung quân, quan có hỏi thì linh hồn người đó sẽ đưa dần các quân bài có sẵn trong quan tài khi liệm và nhận là con cháu của mình để tránh tai hoạ cho gia đình, thân tộc.


Lễ đặt bàn thờ
Bàn thờ tạm thường được đặt trước linh cữu, phía ngoài che màn vải xô. Trên bàn thờ ngoài bát hương, đèn, nến có kèm theo hình ảnh chân dung của chết và bài vị thờ cúng bằng giấy ghi rõ chức vụ, quán tịch, họ tên khi sống, tên tự, tên hèm, địa vị ngôi thứ trong gia đình bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Việt quốc ngữ viết giả theo lối Hán tự. Trước bàn thờ treo một tấm vải ngang, viết bốn chữ Hỗ sơn vân ám (Mây che núi Hỗ) nếu người chết là cha tang chủ hoặc Dĩ lĩnh vân mê (mây mờ phủ núi Dĩ) nếu người chết là mẹ. Hai bên bàn thờ còn treo các câu đối bằng vải trắng ghi lại lời thương tiếc cha mẹ của các con trong gia đình.

Lễ thành phục

Thiết lập xong bàn thờ thì con cháu dâu rể tiến hành làm lễ thay áo thường phục bằng áo tang, mũ tang hoặc khăn tang truyền thống. Con trai trong gia đình mặc áo xô gai, đầu đội mũ nùm rơm quấn bẹ chuối khô, tay chống gậy (cha gậy tre, mẹ gậy vông); con dâu, con gái mặc áo xô gai, lưng thắt dây bện bằng bẹ chuối, xoã tóc đội mũ mấn. Con rể, anh em thân thích mặc áo thụng trắng, đội khăn trắng. Hàng cháu đội khăn trắng, chắt khăn vàng, chút khăn đỏ.

Lễ phúng viếng

Sau lễ thành phục, là lễ viếng dành cho họ hàng xa gần, cùng bạn hữu gần xa, bà con chòm xóm đến thăm hỏi thắp nén hương chia tay người đã khuất. Khách viếng hành lễ trước bàn thờ vong vái hai vái (lạy), con cháu đáp lễ lại bằng nửa lễ một vái (lạy). Lễ vật khách viếng thường là cau, rượu, thẻ hương, nay đơn giản hoá bằng tiền gói trong phong bì có ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ người viếng để sau này con cái gia chủ căn cứ vào đó mà trả lễ.

Lễ tế kèn
Sau lễ thành phục, nhà có đám thường thuê sẵn đội kèn (đội nhạc hiếu), mỗi khi có khách đến viếng, đội kèn lại tấu lên những khúc nhạc bi ai, rầu rĩ, ảo não sầu thảm riêng của các đám tang, kết hợp cùng lời than tiếng khóc của con cháu người quá cố. “Sống dầu đèn, chết kèn trống” là nét văn hoá của người Việt Nam từ trước đến nay.

Tục chọn đất hạ huyệt
Thường thì gia đình người quá cố kết hợp cùng thầy địa lý căn cứ vào giờ sinh giờ tử, cung mệnh của người vừa chết để xem xét lựa chọn phương hướng, hoặc dải đất hạ huyệt chôn cất thi thể người quá cố. Trong tín ngưỡng dân gian, việc chọn đất hạ huyệt có ý nghĩa quan trọng với mối liên hệ tâm linh của những người đang sống theo triết lý “Sống vì mồ, vì mả chứ không ai sống vì cả bát cơm” (chữ cả ở đây mang hàm nghĩa lớn, hàng đầu như lợn cả, ao cả, ruộng cả). Tất cả các tục sau khi chọn đất, như hạ nhát cuốc đầu tiên để đào huyệt cũng phải lựa đúng giờ tốt đã được ấn định.

Tục chuyển cữu – yết tổ

Ngày đưa đám được xác định, tang gia tiến hành chuyển cữu sang nhà thờ tổ (nếu có để cáo yết với tổ tông) có thể đơn giản hơn là thay thế việc chuyển cữu bằng áo mão, dải lụa đeo trước ngực tử thi (hồn bạch). Hoặc con cháu chỉ cần khiêng linh cữu quay một vòng (chuyển cữu) rồi đặt lại vị trí cũ tượng trưng cho việc cáo yết tiên tổ.

Tục đưa đám
Đúng ngày giờ đã chọn, gia chủ hành lễ xin đưa linh cữu về nơi an táng, bằng việc gõ ba hồi chín tiếng phèng la đồng báo hiệu cho mọi người trong thôn xóm biết đã đến giờ đưa đám, mọi người tập trung tại nhà tang chủ, và theo sau xe chở cữu đưa người quá cố ra nơi có huyệt mộ đã được đào chuẩn bị sẵn cho việc chôn cất tử thi.

Tục cúng 3 ngày

Tang chủ tổ chức cúng ba ngày liền sau khi đưa đám trở về, với ý nghĩa tín ngưỡng cầu mong cho người chết được yên vui nơi cực lạc, các đồ cúng thường là cơm, canh, bánh trái.

Tục viếng mộ
Quy định con cháu sau 3 ngày từ khi chôn cất phải ra thăm viếng, sửa sang lại mộ phần.

Tục cúng cơm
Trong vòng 100 ngày sau khi chôn cất, tang chủ phải làm cơm canh cúng ngày hai bữa, ngụ ý vẫn phụng dưỡng vong linh cha mẹ như lúc còn sống.


Tục cúng 49 ngày (Thất lai tuần)
Sau mỗi bảy ngày tính từ khi người thân mất, tang chủ phải làm một lễ nhỏ lên chùa cúng cầu siêu cho vong hồn người quá cố, đủ bảy lần liên tục như vậy thì làm một lễ lớn hơn để cúng cầu siêu gọi là cúng thất lai tuần.

Tục cúng giỗ đầu
Một năm sau ngày người thân qua đời thì làm giỗ đầu, bỏ mũ áo xô gai, nhưng vẫn mặc trang phục vải trắng, chít khăn trắng. Ngày nay thay vào việc mặc tang phục những ngày sau đó, người trong gia đình có tang chỉ cần đính theo một miếng vải đen nhỏ trước ngực để báo tang.

Tục giỗ hết
Hai năm sau ngày người thân qua đời thì làm giỗ hết (đoạn tang) tức đại tường. Thời hạn để đại tang coi như đã hết, nhưng phải chờ sau khi lễ trừ phục tổ chức sau giỗ hết 2 đến 3 tháng thì mới được bỏ hết tang phục. Dân gian thường nói để tang 3 năm nhưng thực tế chỉ vào 27 tháng chịu tang mà thôi. Tổ chức giỗ hết tang chủ có thể làm lớn mời anh em họ hàng đến dự cúng giỗ.

Tục cải táng
Sau khi làm giỗ hết, là đến giai đoạn tổ chức lễ sang cát tức bốc dọn di hài xương cốt chuyển sang tiểu sành để chôn cất lại. Lần chôn cất này được coi là lần chôn cất cuối cùng và mang tính chất vĩnh viễn.
Sau khi cải táng, những nhà có điều kiện kinh tế thường xây đắp kiên cố mộ phần, người có quan tước, phẩm hàm thì xây lăng mộ, gắn bia khắc tên vào mộ phần. Hàng năm vào tiết thanh minh, con cháu đến thăm viếng làm công việc quét dọn mộ phần và bày đồ tế lễ cúng tại chỗ. Nhân ngày lễ tết, hoặc giỗ chạp có gia đình cũng ra tảo mộ.








Một vòng đời người kể từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành rồi già lão, bệnh tật mà mất đi đều gián tiếp hoặc trực tiếp góp phần vào công cuộc kiến tạo, bồi đắp thêm cho nền văn hoá tâm linh thuần Việt tồn tại, phong phú, đi vào đời sống muôn sau. Những phong tục đẹp, tập quán hay mà con người khi sống chịu tác động, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách con người, nó dần được hoàn thiện theo hướng gạn thô lọc tinh và thẩm thấu vào hệ ý thức con người gián tiếp quy định mọi hành vi ứng xử, điều tiết chi phối các mối quan hệ xã hội, đó chính là thuần phong mĩ tục riêng có của dân tộc Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở tâm linh văn hiến ngàn đời nay.




Tiểu mục phong tục tập quán này tuy chưa đi sâu vào nghiên cứu và ghi hết lại được hoàn toàn các phong tục tập quán vùng đất Nghĩa Trụ, cũng như nhiều phong tục tập quán khác còn tồn tại trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Hi vọng trong các tập sách khảo cứu tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm khảo cứu và giới thiệu đến bạn đọc nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc hơn nữa về những phong tục, tập quán đang hiện diện trên vùng văn hoá này.

0 nhận xét:

Post a Comment