Liệt sĩ Tô Hiệu với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước

Tuesday, March 25, 2014

Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng Tô Hiệu

_ Nguyễn Tân Hòa _
Sau hơn 5 năm rút vào hoạt động bí mật, tháng 2/1951 Đại hội đại biểu toàn khu kháng chiến tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, Đảng đã quyết định công khai lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc, đổi tên là Đảng lao Lao Động Việt Nam. Trong 158 đại biểu dự đai hội, đã có 5 đại biểu ở các cương vị, địa phương công tác khác nhau nhưng đều là con em quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên – quê hương phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp nổi tiếng, quê hương của liệt sĩ Tô Hiệu hy sinh tháng 3/1944 tại nhà ngục Sơn La khi mới 32 tuổi đời. Anh ra đi khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc...



Tô Hiệu sinh năm 1912 con út của một nhà nho yêu nước tuy mồ côi cha đã được thân mẫu là bà Ngô Thị Lý (con gái tướng quân Ngô Quang Huy tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy) dưỡng dục, huyết thống gia đình có ảnh hưởng lớn đến chí hướng và nhân cách của Tô Hiệu và anh trai Tô Chấn.

Năm 1926, Tô Hiệu 14 tuổi được mẹ gửi xuống Hỉa Dương ở trường Kiên bị. Do cùng bạn bè “để tang” chí sĩ Phan Chu Chinh, Tô Hiệu (và một số bạn khác) bị đuổi học. Tô Hiệu lên Hà Nội học tiếp, Tô Hiệu đã tham gia “Xích vệ đoàn”, năm 1929 vòa haotj động cách mạng ở Sài Gòn cùng anh trai là Tô Chấn. Năm 1930 Tô Hiệu bị Pháp bắt và “bỏ tù” 4 năm đầy ra Đảo Côn Lôn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934 mãn hạn tù, nhưng vẫn bị quản thúc tại quê hương Xuân Cầu, trong khi Tô Hiệu đã bị ho lao giai đoạn hai.

Tuy bị lí dịch của làng ngày đêm theo dõi, Tô Hiệu vẫn đi lại thăm hỏi dân làng, họ mạc vận dụng các hình thức thích hợp để tập hợp quần chúng. Trong hàng vạn người mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1938 tại nhà Đấu xảo Hà Nội cũng có mặt hàng chục thanh niên Xuân Cầu đến dự từ kết quả vận động của Tô Hiệu đang chữa bệnh lao ở quê nhà.

Do có học vấn khá, Tô Hiệu còn mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho bọn trẻ trong làng ở ngay hiên nhà mình. Lũ học trò được học làm tính, học luân lý, nghe thầy Hiệu kể truyện cổ tích về cha ông đánh giặc ngoại xâm.

Tức tối trước những hoạt động của Tô Hiệu, bọn hào lí mượn cớ Tô Hiệu dạy học không có giấy phép đã thường xuyên đe nẹt, dọa dẫm nhiều lần, nhưng bị dân làng phản đối, đành làm ngơ…

Dân làng Xuân Cầu vốn ham học, nhưng không có đủ trường sở, con em chỉ học đến lớp ba ở đình hoặc chùa, thi xong sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire) là hết chỗ học, bà con Xuân Cầu đã tự nguyện đóng góp, trích hoa lợi của công điền, bán ruộng của phe giáp, lạc quyên nhiều nơi lập quỹ làm trường, nhưng bị bọn chức sắc xà xẻo tham ô nên không xây dựng được trường hoàn chỉnh.

Tô Hiệu lòng dạ xót xa, đề ra khẩu hiệu: “Kẻ góp công, người góp của tiếp sức xây trường - tình đoàn kết muôn năm”, chẳng bao lâu ngôi trường “Kiêm bị” sáu lớpBậc Tiểu Học 6 năm:
- Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin)
- Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)
- Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)
- Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)
- Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année)
- Lớp Nhất (Cours Supérieur)
ở Xuân Cầu hoàn thành, con em trong làng có cơ hội học lên. Ngày khành thành trường có cả Công sứ pháp, tri huyện Văn Giang về dự tuy chẳng mấy hài lòng. Chính Tô Hiệu là người đứng ra nói đàng hoàng, biểu dương, cổ vũ nhiệt tình của các nhà hảo tâm ủng hộ tiền làm trường, tinh thần hiếu học của bà con trong làng, khuyên nhủ học sinh chăm chỉ học hành, mở mang dân trí giúp ích cho mai sau. Dân làng Xuân Cầu hân hoan phấn chấn như được tiếp thêm sức mạnh mới. Cách mạng tháng 8 thành công, trường được đặt tên là trường Tô Hiệu.

Năm 1939, chính phủ Bình dân Pháp bị đổ, đại chiến 2 bùng nổ, thực dân Pháp ra tay đàn áp cách mạng ở nước ta, đồng chí Tô Hiệu đã tạm biệt quê hương đi hoạt động cách mạng ở vùng Đông bắc Hải Phòng. Năm 1940 bọn Pháp lại bắt đồng chí Tô Hiệu đưa lên Sơn La đày ải tại nhà ngục trần gian trên đồi Khau cả.

Tuy bị quản thúc tại quê nhà, nhưng những hoạt động của Tô Hiệu, ngoài việc huấn luyện đào tạo được một số thanh niên tích cực sau này đều là cán bộ cốt cán địa phương trong cuộc khởi nghĩa tháng 8 và kháng chiến kiến quốc,

Tô Hiệu còn dạy học, vận động xây dựng trường Kiêm bị ở Xuân Cầu đã để lại ấn tượng sâu sắc, làm bùng lên một khí thế mới cho nhân dân. Là một cán bộ cách mạng, một đảng viên trẻ có tầm nhìn xa trông rộng, quan tâm sâu sắc đến việc nâng cao dân trí, trực tiếp dạy học, rồi vận động xây dựng trường học tại quê nhà, đúng như lời Hồ Chủ tịch sau này đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu – Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Một tổn thất lớn của Đảng và dân tộc, trong 4 năm bị giam cầm tại nhà ngục Sơn La, bệnh lao ngày càng nghiêm trọng, làm bí thư nhà ngục khi mới thành lập, đồng chí Tô hiệu đã góp phần quan trọng biến nhà tù thành trường học đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng và cách mạng, ngày 7/3/1944 đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh khi ở tuổi 32, được đồng chí Nguyễn Lương Bằng - một trong bốn chiến sĩ cách mạng vượt ngục ngày 4/8/1943 đã xác nhận “Công lao lớn nhất thuộc về Tô Hiệu”.

Tháng 12 năm 1947, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã tổ chức trọng thể lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 2 liệt sĩ Tô Chấn, Tô Hiệu (là hai anh em ruột) ở làng Xuân Cầu. Tháng 2/1998, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên – Sơn La đã in ấn phát hành cuốn sách quý “Tinh thần Tô Hiệu” trên 200 trang, được đồng chí Đỗ Mười - cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ghi lời tựa, ghi nhận: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng cống hiến của đồng chí cho dân tộc cho cách mạng thật là to lớn… Nhân cách cộng sản mẫu mực của đồng chí đã nêu gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo”.
Trường Mầm non Tô hiệu - TP Sơn La

Đến nay, ở Hưng Yên có trường học( thôn Xuân Cầu) mang tên Tô Hiệu, một xã ở huyện Thường tín (Hà Nội) mang tên liệt sĩ Tô Hiệu và nhiều địa danh, công trình ở các địa phương khác trong cả nước cũng mang tên Tô Hiệu. Ở Sơn La, Phường trung tâm thành phố Là phường Tô Hiệu. Tô Hiệu và các liệt sỹ nhà ngục Sơn La được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ phường Tô Hiệu bên quốc lộ 6 đi qua. Một đại lộ dài gần 2 km đưới chân đồi Khau cả là đường Tô Hiêu. Thành phố Sơn La và một số huyện cũng có trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT mang tên Tô Hiệu. Ở Huyện Mai Sơn có nông trường mang tên Tô Hiệu( nay được đổi thành Công ty nông nghiệp Tô Hiệu). Hội khuyến học Tỉnh Sơn La định kỳ trao học bổng Tô Hiệu...

Ở nhà ngục Sơn La, có cây đào xuất xứ do Tô Hiệu trồng. Ai đến tham nhà ngục cũng chụp ảnh lưu niệm dưới gốc đào. Bài ca hát dươí cây đào Tô Hiệu đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Gần đây, nhiều cây tuyến xanh đô thị ở thành phố Sơn La đã và đang được trồng lại bằng những dãy đào...



25/03/2014


 ✯✯ 


Tinh thần Tô Hiệu

Friday, March 7, 2014

Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng Tô Hiệu

_ TRẦN ĐÌNH VIỆT _
Hôm nay kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng Tô Hiệu. Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù tỉnh Sơn La, sau một thời gian bị giam cầm và bệnh lao nặng.


Với nhiều lớp thế hệ trẻ, tên tuổi của ông được nhớ đến trong sách vở qua danh xưng đường phố và trường học ở hầu khắp mọi miền đất nước như một nhân vật lịch sử gắn liền với giai đoạn cách mạng giành chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng với những người đồng chí của ông, vài ba chục năm trở lại đây thì những hồi ức của họ vẫn là những kỷ niệm tươi rói. Những người bạn tù năm xưa ở Côn Đảo và Sơn La với ông, sau này hầu hết đều đảm trách những chức vụ cao trong Đảng và Nhà nước.

Đến ngày kỵ giỗ ông, các đồng chí, bà con lại tề tựu thắp nén hương tưởng nhớ người chiến sĩ hy sinh vì nước lúc mới 32 tuổi. Dưới bút danh Quyết Chiến, bài viết “Gương hy sinh tinh thần Tô Hiệu” của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh đăng trên báo Cờ Giải phóng ngày 28-1-1945 là bài báo đầu tiên có những dòng: “Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên anh được. Với tính điềm đạm, nhẫn nại và đầy đức tính hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu. Đời anh chỉ lấy sự hoạt động chính trị làm vui…”.

Quả thật, sau khi bị đuổi học vì tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh, năm 1926 và sau đó 3 năm, cuối năm 1929 vào Sài Gòn hoạt động cùng người anh ruột là Tô Chấn, Tô Hiệu đã dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Bị bắt, án tù 4 năm đày đi Côn Đảo. Ra tù, bị quản thúc ở quê, nhưng ông vẫn tìm cách gầy dựng phong trào, rồi thành lập xứ ủy Bắc Kỳ, chuyển về Hải Phòng hoạt động, làm Bí thư Thành ủy, năm 1939 sa vào tay giặc, bị đày lên Sơn La.

Thời gian hoạt động của Tô Hiệu không nhiều, nhưng ông xuất hiện đúng vào những thời điểm nóng của cách mạng: cuộc khủng bố trắng sau Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931; phong trào mặt trận bình dân 1936 - 1939 và giai đoạn 1939 - 1945 khi Nhật - Pháp ở Đông Dương và sự chuẩn bị cướp chính quyền của Đảng.



Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nho học thanh bần. Người anh kế Tô Chấn (sinh năm 1904) bị tù Côn Đảo, vượt biển hy sinh cùng chuyến với Ngô Gia Tự lúc 32 tuổi. Mẹ ông, cụ bà Ngô Thị Lý - con gái của danh tướng Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong là Tán lý quân vụ. Ông chỉ huy đánh Pháp cùng với Nguyễn Thiện Thuật và tuẫn tiết ngày 1-4-1889. Tại quận 2, TPHCM có con đường đẹp mang tên vị danh tướng ấy.

Ông Tô Tu - người anh cả của Tô Hiệu có lần nói: “Cái máu làm cách mạng của gia đình là từ bên ngoại truyền sang”. Những câu chuyện của người mẹ kể về ông ngoại chắc đã nhen nhóm lòng yêu nước, chí căm thù giặc ở các người con. Vinh hạnh nữa họ là hậu duệ của dòng tộc họ Tô mà nhiều trăm năm trước đều có người hiển đạt, danh vọng.

Tập sách Tinh thần Tô Hiệu (Nhà xuất bản Thời Đại, 2014 - ảnh) ra mắt tháng 3 quả là đúng dịp. Đặc biệt có bài thơ Hoài cảm của lão thành cách mạng Nguyễn Thị Tỳ (1912-2002) người bạn, đồng chí thủy chung của Tô Hiệu khi nhận được tấm ảnh Tô Hiệu do Tô Quang Đẩu gửi tặng năm 1957: Cùng nhau xa cách đã bao đông/ Nhìn ảnh càng thêm chạnh nỗi lòng/ Cay đắng bất bình khi nhớ tiếc/ Ngậm ngùi ly biệt lúc sầu tuôn/ Tím gan tưởng nhớ lời giao ước/ Nát ruột đành cam giọt lệ hồng/ Nhà tù canh tàn ngơ ngẩn bóng/ Xa xôi tình nghĩa chẳng vân mòng.

Đồng chí Tô Hiệu khi bị địch bắt và tra tấn tại Hải Phòng tháng 12-1939.
TRẦN ĐÌNH VIỆT

 ✯✯ 


Nguồn Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG - 07/03/2014.

Kỷ niệm 70 năm ngày mất Tô Hiệu (1912 - 07-03-1944)


Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng Tô Hiệu



Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình nho học nghèo, dòng họ Tô yêu nước, nhiều đời khoa bảng của tỉnh Hưng Yên. Cụ Tô Ngọc Nữu (cụ nội Tô Hiệu) là nhà nho yêu nước, thủ tiết chống giặc ngoại xâm, mưu cầu độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, nên khi đang làm đốc học Nam Định, được tin Tự Đức ký hiệp định đầu hàng thực dân Pháp, cụ từ chức về quê dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, sau này là ông ngoại của Tô Hiệu. Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong tước Tán Tương quân vụ, là lãnh tụ rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy do cụ Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) lãnh đạo. Người con gái của danh tướng Ngô Quang Huy, bà Ngô Thị Lý, thân mẫu của Tô Hiệu là người yêu nước quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, được nhân dân địa phương kính trọng và suy tôn là một trong những bà mẹ tiêu biểu, gương mẫu của phong trào phụ nữ cách mạng tỉnh Hải Hưng trước đây.

Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, khi còn đang học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá, truy điệu, để tang Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu, nên bị đuổi học vào năm 1926, khi mới 14 tuổi.

Lên Hà Nội học cao đẳng tiểu học, Tô Hiệu tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Trưởng thành trong hoạt động thực tiễn, năm 1929, ông được kết nạp vào Học sinh đoàn, một tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo, Tô Hiệu vẫn tiếp tục tham gia, tổ chức đấu tranh, tích cực học tập lý luận cách mạng và trở thành người đảng viên cộng sản giàu nhiệt huyết, có bản lĩnh vững vàng.

Năm 1934 ra tù, dẫu bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê, nhưng với tinh thần yêu nước, luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng lực lượng cách mạng, Tô Hiệu đã tổ chức xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu và trực tiếp giảng dạy. Cũng trong thời gian này, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch, ông bí mật gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, rồi bắt liên lạc với Đảng. Năm 1936, Tô Hiệu cùng Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Khi thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền duyên hải, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Trên cương vị mới, Tô Hiệu đã tổ chức lại ban chỉ đạo các tỉnh, thành và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn ở Thành phố Hải Phòng.



Tháng 2-1939, được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Tô Hiệu đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước. Tiêu biểu như cuộc bãi công của 1000 thợ xẻ (4-1939), 1500 công nhân Cảng (5-1939) và đặc biệt là cuộc bãi công của hơn 3000 công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng…

Tô Hiệu bị địch bắt khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới, vào ngày 1-12-1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng). Chuyển hết đề lao Hải Phòng lại Hỏa Lò (Hà Nội), tra tấn dã man, mua chuộc, dụ dỗ bằng mọi thủ đoạn, nhưng kẻ thù không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Tô Hiệu. Cuối tháng 12-1939, thực dân Pháp đã kết án 5 năm tù và đày ông đi Nhà tù Sơn La. Cũng thời gian này, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập. Tháng 02-1940, Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên. Tháng 5-1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ.

Đến tháng 10-1941, khi sức khỏe đã suy kiệt, thôi không giữ chức Bí thư chi bộ Nhà tù, nhưng Tô Hiệu vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi ủy và là Trưởng ban huấn luyện, đào tạo cán bộ của nhà tù. Chi bộ Nhà tù đã tổ chức đời sống trong tù rất hợp lý. Thành lập Ủy ban Nhà tù để lãnh đạo mọi mặt, tổ chức các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo… để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng cho anh em tù nhân. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La.

Do căn bệnh hiểm nghèo và chế độ hà khắc của nhà tù, Tô Hiệu đã hy sinh vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 7-3-1944 tại Nhà tù Sơn La, ở tuổi 32 trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí. Ông được an táng tại Vườn Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La).

Cây Đào do Tô Hiệu trồng vào thời gian cuối đời khi bị giam giữ tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu”. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày 13-05-1985, Bưu chính Việt Nam phát hành bloc tem tôn vinh Tô Hiệu trong bộ tem "Kỷ niệm 30 năm giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-1985)"./.

 ✯✯ 


Nguồn vietstamp.net.

Linh hồn của nhà ngục Sơn La

Wednesday, March 5, 2014

Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng Tô Hiệu

Đà Giang

Trong lời tựa của cuốn sách “Tinh thần Tô Hiệu” cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: “Đồng chí Tô Hiệu là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, tham gia hoạt động cách mạng từ thuở “thiếu niên” đã hi sinh ở Nhà ngục Sơn La năm 1944, lúc mới 32 tuổi. Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc, cho cách mạng thật là to lớn. Đồng chí đã có công gây dựng và phát động phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng và liên tỉnh B, bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. Trong những năm bị địch bắt giam, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần rất quan trọng biến nhà tù Sơn La thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng, cho cách mạng”…

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình nhà nho yêu nước, có 5 anh chị em ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Mồ côi cha từ nhỏ, Tô Hiệu được mẹ là bà Cả Y nuôi dạy nên người.

Học xong trường làng, năm 1926 Tô Hiệu sang thị xã Hải Dương học tiếp nhưng bị đuổi học vì tham gia “để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh”. Sau đó, Tô Hiệu lên Hà Nội học tiếp, rồi tích cực hoạt động trong các tổ chức yêu nước cách mạng Xích vệ đoàn. Chuyển vào Sài Gòn hoạt động cùng anh ruột là Tô Chấn. Năm 1930, Tô Hiệu bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo với án tù 4 năm. Không chịu khuất phục, Tô Hiệu cùng bạn tù dũng cảm đấu tranh chống bọn chúa ngục độc ác, tích cực học tập lí luận cách mạng, được bồi dưỡng trở thành đảng viên ưu tú, giàu nhiệt huyết, bản lĩnh cách mạng vững vàng.

Mãn hạn tù, năm 1936 Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế, Đảng ta ra hoạt động công khai, đồng chí Tô Hiệu vẫn bị Pháp đưa về quản thúc tại quê hương. Dù sức khỏe yếu, ông tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, được điều về đặc trách Bí thư Liên khu B, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, kiêm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.

Cuối năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp tan vỡ, Đảng rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt ở Hải Phòng, đày ải lên Nhà ngục Sơn La, khi ấy là nơi “sơn cùng thuỷ tận”, một ốc đảo cách Hà Nội trên 300 cây số.

Không đòn roi, tù ngục nào khuất phục được đồng chí Tô Hiệu. Trong 1.500 ngày ở Nhà ngục Sơn La, Tô Hiệu biến “nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản”, đào tạo mấy trăm tù nhân trở thành cán bộ cốt cán của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư, mọi hoạt động cách mạng ở Nhà ngục có phương hướng rõ ràng, được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả. Với tầm nhìn xa, các đảng viên Nhà ngục còn tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho binh lính, công chức và đồng bào địa phương. Tờ báo “Suối Reo” của Chi bộ Nhà ngục được “phát hành” thường xuyên, động viên đảng viên, quần chúng trung kiên, giữ vững lập trường, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng và cách mạng. Đặc biệt, Chi bộ Nhà ngục rất thành công trong việc tổ chức cho 4 đồng chí là Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu vượt ngục thành công.

Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu, linh hồn của Chi bộ Nhà ngục Sơn La đã “ra đi” sau 18 năm hoạt động cách mạng. Trước khi vĩnh biệt anh em, đồng chí để lại lời dặn dò thân thiết, khuyên mọi người giữ vững khí tiết, tin tưởng ở cách mạng, chuẩn bị tư tưởng và hành động để đương đầu với mọi hi sinh gian khổ và đón nhận tương lai sáng sủa đang ló rạng ở chân trời

Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng bên kẽ nẻ phòng giam đã hơn 70 năm vẫn khai hoa kết trái mỗi độ Xuân về. Cố Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Nó, một trong những “hạt giống đỏ” được Chi bộ Nhà ngục Sơn La gieo đã viết những vần thơ ca ngợi: “Lửa cháy/ bom san bằng/ kiếm chém ngang/ đào vẫn lớn/ hoa thơm/ quả trĩu cành…”